40 năm làm khuôn bánh Trung thu và nỗi niềm của người thợ cuối cùng đất Hà Thành

Trong căn nhà cũ kỹ nằm trên con phố trung tâm Hà Nội, ông Quang người thợ duy nhất còn sống với nghề vẫn ngày ngày cần mẫn làm những chiếc khuôn đúc bánh bằng cả tâm huyết và nỗi niềm với nghề truyền thống.
Cứ mỗi dịp trung thu, khách hàng từ khắp nơi lại tìm đến cửa hàng nhỏ số 59 Hàng Quạt để đặt làm khuôn bánh thủ công. Đây là một trong những địa chỉ hiếm hoi còn giữ nghề làm khuôn bánh trung thu, xôi, oản bằng gỗ.
Ông Phạm Văn Quang (57 tuổi) chủ cửa hàng đã gắn bó với nghề hơn bốn thập niên. Gia đình ông gốc gác ở Thường Tín (Hà Tây cũ) có nghề gia truyền khuôn đúc thủ công, nhưng đến nay các cụ đã quy tiên, con cháu xoay sang nghề khác, chỉ có ông Quang tiếp tục bám cái nghề yêu cầu sự kiên nhẫn, tỉ mỉ này.
Cửa hàng của ông rộng chưa đầy 10m2 với chiếc bảng hiệu ngắn gọn 4 chữ “Khuôn: bánh, xôi, oản” nép mình bên những cửa tiệm lớn. Bên trong, bên ngoài cửa hàng là hàng chục chiếc khuôn gỗ, với đủ hình dạng, kích cỡ treo kín hai bên tường.
40 năm gắn bó với nghề, ông Quang nhớ từng mẫu khuôn mà mình thiết kế, không chiếc nào giống chiếc nào. Với ông, chúng phản ánh cả văn hóa, ẩm thực và thói quen của từng vùng miền.
Khuôn ông làm không có giá cố định, cũng không hẹn khách ngày giao hàng. Vì đúc khuôn cũng như làm nghệ thuật, có thể ý tưởng bất chợt sáng lên, nhưng cũng có khi, nghĩ vài ngày không ra. Tuỳ độ phức tạp của mẫu khuôn mới tính được giá trị. Vì thế, khách đặt hàng chỉ cần để lại số điện thoại, khi làm xong ông sẽ báo.

Khuôn bánh nhất định phải làm bằng gỗ xà cừ để đủ độ rắn chắc, chịu được lực mạnh khi đập bánh và lực bào, đục, chạm khắc trang trí. Dùng gỗ chắc quá như gỗ mít thì lấy ra bánh dễ bị nứt, sứt góc. Gỗ mềm quá dùng qua thời gian sẽ mòn mất hoa văn. Gỗ xà cừ dung hòa được tất cả, dễ mua, hợp lý cả giá thành và chất lượng.
Ngoài ra, khác với làm khuôn công nghiệp, đối với ông, điều quan trọng là phải lắng nghe khách hàng khi họ trao đổi yêu cầu. Khi làm, cần tỉ mỉ, cần tĩnh tâm, bởi nếu nóng vội sẽ không thể có được sản phẩm ưng ý. Chình vì vậy, ông Quang được nhiều khách hàng cả trong và ngoài nước tìm đến đặt hàng, sản phẩm của ông đã chu du đi nhiều nơi trên thế giới, được các đại sứ quán, tổ chức quốc tế đặt làm mỗi dịp đặc biệt.

Tuổi thọ của những chiếc khuôn gỗ được ông ước tính có thể dùng truyền từ đời trước sang đời sau, chỉ cần bảo quản tránh ẩm mốc là có thể sử dụng gần như là mãi mãi.
Là người cuối cùng giữ nghề trong gia đình, con cái đều đã trưởng thành và không ai theo nghiệp bố nhưng ông Quang không vì thế mà cảm thấy buồn. Vì ông hiểu, làm nghề này không phải cứ muốn là được, làm cẩu thả qua loa thì cũng không thể giữ được nghề.
An Liên (tổng hợp)
Video xem thêm: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm
Nguồn DKN