Trang chủ Sống đẹp Vụ cứu cháu bé rơi từ chung cư: ‘Đừng bóp chết những...

Vụ cứu cháu bé rơi từ chung cư: ‘Đừng bóp chết những người tốt bằng ánh mắt nhem nhuốc của mình’

392
0

Vụ cứu cháu bé rơi từ chung cư: ‘Đừng bóp chết những người tốt bằng ánh mắt nhem nhuốc của mình’

“Không ai có lợi khi đi giết chết cái đẹp, cái tích cực cả. Hãy cẩn thận lời nói thốt ra từ miệng của mình. Không gì là không phải chịu trách nhiệm, không gánh hậu quả kể cả lời nói không mất tiền mua!”, nhà báo Lê Anh Đạt bày tỏ.

Những ngày vừa qua, sự việc anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, tài xế xe tải quê Đông Anh, Hà Nội) đưa tay đỡ cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12A của chung cư 60 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã nhận được sự quan tâm và ngợi khen của cả nước. 

Theo SaoStar phản ánh, trên khắp mặt báo và mạng xã hội (MXH), người ta tung hô, ca ngợi anh là “người hùng”, là “siêu nhân” bởi hành động dũng cảm và trượng nghĩa của anh. Không chỉ cứu sống một mạng người, anh còn lan tỏa những điều tích cực, tốt đẹp đến với xã hội. Trong khi đó, anh Nguyễn Ngọc Mạnh luôn nhắc đi nhắc lại rằng anh chỉ muốn là người bình thường, mong sự việc được lắng xuống để anh trở lại với công việc của một tài xế lái xe, ngày đi làm, rảnh rỗi thì dành thời gian cho vợ và con gái. 

Tuy nhiên, mới đây khi một đoạn clip ở góc độ rõ hơn ghi lại cảnh anh Mạnh cố gắng cứu sống cháu bé được chia sẻ rầm rộ trên MXH, người ta bắt đầu mổ xẻ, phân tích thật nhiều về bàn tay anh Mạnh có đỡ trúng cháu bé? Không ít người quay lưng với anh Mạnh, tỏ ra nghi ngờ liệu anh Mạnh có thật sự đã cứu giúp được cháu bé 3 tuổi kia. 

Về vấn đề trên, nhà báo Lê Anh Đạt có một bài chia sẻ đáng suy ngẫm trên tờ Ngày Nay như sau:

Ảnh chụp màn hình báo Ngày Nay.

Khi thoăn thoát lên mái tôn cứu cháu bé, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Mạnh có nghĩ tới bằng khen, có muốn làm người hùng, có muốn được tặng hoa không?

Không!

Mạnh chỉ mong muốn cứu được bé, đó là điều xuất phát từ lòng tốt, trách nhiệm và bản năng thiện lương. Điều đó bình dị như một người tốt ở đời! Làm ầm ĩ, phong thánh là do chúng ta mà. Trong tình huống đó, Mạnh có mong gì hơn ngoài mong muốn cứu bé đâu.

Người cha có muốn con rơi từ tầng 13 xuống đất không?

Không!

Không ai trong chúng ta yêu bé gái bằng chính người bố! Vậy sao dùng lời lẽ hành hạ người cha đến mức phải xin lỗi cả nước, khi anh ta đau đớn và ân hận rồi! Bất trắc và tai nạn trong đời có ai muốn xảy đến đâu, đôi khi nó đến theo cách không ngờ nhất!

Hướng ánh mắt để nâng đỡ, bảo vệ những điều tốt đẹp. Đôi khi điều đó cứu rỗi đời ta, tâm hồn ta đấy. Đừng bóp chết những điều tốt đẹp từ trong trứng nước. Đừng bóp chết những người tốt bằng ánh mắt nhem nhuốc của mình. Không ai có lợi khi đi giết chết cái đẹp, cái tích cực cả. Hãy cẩn thận lời nói thốt ra từ miệng của mình. Không gì là không phải chịu trách nhiệm, không gánh hậu quả kể cả lời nói không mất tiền mua!

Để lòng mình chia sẻ, cảm thông với người khác để nỗi đau vơi đi trong cuộc đời này. Đừng để khi đứa con được cứu thì cha mẹ chưa kịp vui đã lùi vào bóng tối của ân hận, mặc cảm tội lỗi bởi chỉ trích của chúng ta!

Hãy để Mạnh trở về với đời thường với với nụ cười hồn hậu và làm người tốt không phải ở trên sân khấu do chúng ta dựng lên. Để gia đình bé gái may mắn kia trở về trạng thái bình an như mong muốn của chúng ta khi bé được giữ lại một cách thần kỳ.

Cũng chúng ta cả, ồn ào mọi thứ lên rồi phán xét những thứ do chúng ta chụp mũ lên!

***

Những bình luận của nhà báo Lê Anh Đạt phải chăng đang điểm trúng một căn bệnh cố hữu của xã hội chúng ta: Bệnh phán xét. Phán xét bởi lòng thiếu sự cảm thông và bao dung với cái khó của người khác. Phán xét bởi đố kỵ và hẹp hòi trước sự tốt đẹp và danh vọng của người khác. Nghe tin người khác có gì xấu ác, thường tin ngay; còn nghe tin người khác có gì tốt đẹp, thường nghi ngờ. Phán xét bởi… đã thành quen, là phản xạ tự nhiên, chưa kịp nghĩ xem lời phán xét ấy sẽ gây tổn thương những ai, và có tác dụng tiêu cực nào.

Những bậc Thánh Hiền trong lịch sử vẫn thường phán xét, khen điều thiện, chê điều ác, mục đích cũng để khuyến thiện, trừ ác, đưa con người về chính Đạo. Bản thân phán xét không tốt hay xấu, quan trọng là cái tâm của người phán xét có chân thành, thiện lương và bao dung đủ hay không…

Nguồn DKN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here