‘Nếu người khác nhổ nước bọt vào mặt đệ, đừng lau mà hãy để nó tự khô!’

Lâu Sư Đức (630 – 699), tự Tông Nhân, người Trịnh Châu, là đại thần qua hai triều đại Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên. Mọi người gọi ông là Đường Nạp ngôn. Nạp ngôn là tên một chức quan của Trung Quốc thời xưa.
Cơm gạo trắng và cơm gạo đen
Khi Lâu Sư Đức đang làm binh bộ thượng thư, một lần đi tuần tra ở Tịnh Châu. Lúc đến nơi, các huyện lệnh ở xung quanh đều đến để nghênh đón và đi theo. Buổi trưa ông đi đến quán trọ, sợ đông người bị làm phiền nên đã kêu mọi người cùng nhau ăn cơm. Cơm ông ăn là cơm gạo trắng mềm mịn, còn cơm người khác là cơm gạo đen khô cứng.
Ông liền gọi chủ quán đến, trách móc rằng: “Tại sao ông lại dùng hai loại gạo để tiếp khách?”.
Chủ quán rất hoảng sợ, nói: “Nhất thời không tìm ra được gạo trắng, là tôi đáng chết”.
Lâu Sư Đức nói: “Như vậy không tốt, không nên có sự phân biệt đẳng cấp với khách”. Nói xong ông đổi thành cơm gạo đen ăn cùng với mọi người.
Nói giúp cho đồng hương
Sau đó, Lâu Sư Đức đến Lương Châu để kiểm tra đồn điền. Một người đồng hương cùng họ với ông đang làm một chức quan nhỏ tại đó. người này đã phạm vào tội phải lớn. Đô đốc Hứa Khâm Minh đang chuẩn bị trừng phạt cậu ta để làm gương. Cậu ta bèn đến gặp Lâu Sư Đức, nhờ ông cầu xin giúp mình.
Lâu Sư Đức nói: “Phạm vào quốc pháp, cho dù là con trai ruột của ta cũng không thể bỏ qua, huống hồ là cậu?”. Ngày hôm sau trong một bữa tiệc, Hứa Khâm Minh nói với Lâu Sư Đức: “Những ai phạm vào quốc pháp là đều phải bị trừng phạt”.
Lâu Sư Đức nói: “Tôi nghe nói có một phạm nhân phạm vào quốc pháp, nói là đồng hương của tôi, thật ra tôi vốn dĩ không quen biết hắn. Nhưng mà, lúc nhỏ tôi và cha hắn từng cùng nhau chăn trâu. Xin đô đốc đừng vì tôi mà làm mất luật pháp”.
Hứa Khâm Minh lập tức kêu người dừng hành hình người đó và đưa đến đại sảnh. Lâu Sư Đức nghiêm khắc trách mắng: “Cậu từ biệt cha mẹ, đến đây xin làm quan. Nhưng làm quan rồi lại không trong sạch, cậu có biết hậu quả không?”, rồi lấy một dĩa bánh cho người đó, kêu cậu ta ăn, để chết đi rồi không phải làm con ma đói. Hứa Khâm Minh bèn thả người đó ra.
Ban ngày không quen biết tể tướng
Sau này Lâu Sư Đức được thăng chức làm Nạp ngôn bình chương chính sự (tương đương với chức tể tướng), ông lại một lần nữa đi kiểm tra đồn điền. Đã định sẵn ngày khởi hành rồi, những tùy tùng đi theo đều đã khởi hành từ trước.
Lâu Sư Đức thấy mỏi chân, nên đã ngồi lên một khúc gỗ ở bên ngoài Quang Chính Môn. Một lúc sau, có một huyện lệnh không biết ông chính là Nạp ngôn, sau khi tự giới thiệu bản thân xong, liền ngồi cùng Lâu Sư Đức trên khúc gỗ đó.
Thuộc hạ của huyện lệnh đứng từ xa trông thấy, vội vàng chạy đến nói với huyện lệnh: “Người này là Nạp ngôn”. Huyện lệnh kinh hoàng, vội vàng đứng dậy nhận lỗi, và nói: “Tiểu nhân đáng tội chết”.
Lâu Sư Đức nói: “Vì ông không quen biết ta mới ngồi cùng với ta, trong luật pháp không có điều luật nào là phạm tội chết”.
Huyện lệnh nói: “Có một người tên Tạ Nghi, lấy lý do là tuổi già hoa mắt để từ chức, thật ra thư từ chức của người này được viết vào ban đêm, mắt ông ta không vấn đề gì cả”.
Lâu Sư Đức cười nhạo huyện lệnh, nói: “Thì đó, người đó nói mình ban đêm mắt nhìn không rõ, còn ông, ban ngày không quen biết thừa tướng”.
Huyện lệnh rất xấu hổ, nói: “Xin Nạp ngôn tuyệt đối đừng nói chuyện này ra, thế thì ngài đã là lão Phật gia của tôi rồi”.
Đám thuộc hạ của Lâu Sư Đức đều buồn cười. Ông đến Linh Châu, ở quán trọ ăn cơm xong, Lâu Sư Đức kêu người dắt ngựa đến.
Phán quan (trợ thủ) của ông nói: “Ngài đã ăn xong cơm rồi, chúng tôi ngay đến nước còn chưa được uống, vốn dĩ không ai quan tâm”.
Lâu Sư Đức nói: “Ta không xuống ngựa nữa, chuyện này để ta xử lý”. Ông gọi chủ quán đến phê bình: “Phán quan và ta có gì khác biệt, mà ông dám không phục vụ? Mang gậy đến đây”. Ông dọa cho chủ quán khấu đầu lia lịa.
Lâu Sư Đức nói: “Ta muốn đánh ông một trận, là chuyện rất nhỏ, nhưng sẽ làm mất danh dự. Nếu ta nói cho quan trên của ông biết, họ sẽ giết ông. Ta tạm tha cho ông vậy”. Chủ quán hoảng hốt khấu đầu, bỏ đi với bộ dạng thê thảm. Lâu Sư Đức nhìn bóng dáng của chủ quán, nói với phán quan: “Ta thay ông trút giận rồi”. Mọi người đều thở dài. Lâu Sư Đức làm việc, đại khái là như vậy.
Chỉ xứng làm kẻ trồng ruộng
Lý Chiêu Đức là Nội sứ, Lâu Sư Đức là Nạp ngôn, cùng nhau đi vào triều. Lâu Sư Đức có thân hình to béo nên bước đi chậm chạp. Lý Chiêu Đức dừng lại rất nhiều lần để đợi ông, nhưng ông vẫn không theo kịp.
Lý Chiêu Đức bực tức nổi nóng, nói: “Ông chỉ xứng làm ruộng”. Lâu Sư Đức nghe xong cũng không nổi giận, cười và nói: “Thì ta chính là người từng làm ruộng mà, nếu ta không phải người làm ruộng thì còn có ai chứ?”.
Nước dãi tự khô
Em trai của Lâu Sư Đức được nhậm chức làm thứ sử ở Đại Châu. Lúc lên đường, Lâu Sư Đức nói: “Tài năng của ta không cao, làm được chức tể tướng. Còn đệ bây giờ, lại đi làm một chức quan địa phương địa vị rất cao. Có hơi quá đáng chăng? Người ta sẽ đố kỵ chúng ta, phải làm sao mới bảo toàn được tính mạng hả?”.
Em trai của ông quỳ xuống nói: “Từ nay về sau, cho dù có người nhổ nước dãi lên mặt đệ, đệ cũng không dám nhổ lại, lau sạch nước dãi đi là được. Đệ dùng điều này để tự răn đe mình, tuyệt đối không làm huynh lo lắng”.
Lâu Sư Đức nói: “Đây lại chính là điều ta lo lắng nhất. Ôi! Người ta nhổ nước dãi vào đệ, là người ta đang trút giận lên đệ. Nếu như đệ lau nước dãi đi, chứng tỏ là đệ bất mãn. Bất mãn mà lau nó đi, khiến người khác càng tức giận. Nên để nước dãi không lau mà tự khô. Có được không?”.
Em trai ông lĩnh ngộ và mỉm cười. Khi Võ Tắc Thiên lên nắm quyền triều chính, Lâu Sư Đức vẫn không bị mất đi sự sủng ái.
Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch
Tài liệu tham khảo:
Quyển 20 khí lượng trong “Thái Bình Quảng Ký” của Lý Phường thời kỳ Hậu Hán trong Ngũ đại thập quốc.
Nguồn DKN