Trang chủ Thông điệp cuộc sống Đọc ‘Tiếu ngạo giang hồ’ của Kim Dung: Giang hồ mộng huyễn...

Đọc ‘Tiếu ngạo giang hồ’ của Kim Dung: Giang hồ mộng huyễn có nơi quay về?

278
0

Đọc ‘Tiếu ngạo giang hồ’ của Kim Dung: Giang hồ mộng huyễn có nơi quay về?

Ảnh: Tổng hợp

Giang hồ là gì? Giang hồ là cây kiếm diệt gian trừ ác của người anh hùng, giang hồ là đạo nghĩa và ý chí của người quân tử, giang hồ là sự chính nghĩa và tự do, là nơi không chịu sự trói buộc của quyền thế, là nơi tôn vinh chính đạo trong sự thiện ác khó phân, trắng đen lẫn lộn.

Giang hồ ở nơi nào? Giang hồ ở Vũ Lăng Nguyên có hoa cỏ mọc quanh năm, ở Vân Hàn sơn trang trên đỉnh núi, ở rừng trúc yên tĩnh trong giấc mơ huyền ảo, ở nơi núi non thanh tịnh, ở nơi thành thị phồn hoa…

Diễn biến của “giang hồ”

Từ “giang hồ” ngay từ đầu không phải là từ chuyên dụng trong tiểu thuyết võ hiệp, mà nó được hình thành bởi một quá trình diễn biến. Từ “giang hồ” gồm có hai ý nghĩa, một là ý nghĩa về mặt địa lý, một là ý nghĩa bên trong.

Từ này xuất hiện sớm nhất trong quyển Hà Cử Thư của Sử Ký: “Tại nước Ngô, thì đào kênh tại tam giang, ngũ hồ”. Tam giang ngũ hồ mang ý nghĩa là một danh từ địa lý rất phổ thông. Lại có một cách giải thích khác cho rằng từ “giang hồ” muốn nói đến Trường Giang và Động Đình Hồ.

Đem từ “giang hồ” mở rộng thành một từ mang ý nghĩa đậm chất văn hóa được xuất hiện sớm nhất trong “Đại Tông Sư” của Trang Tử: “Suối cạn, cá mắc cạn trên mặt đất, chúng làm ẩm nhau bằng hơi thở, thổi bọt làm ướt thân của nhau, chi bằng quên hết nơi sông hồ (giang hồ)”. Cũng có một cách nói khác là: “Cá tranh nhau vào nước, người tranh nhau cầu đạo. Kẻ tranh nhau vào nước, đào ao mà được dồi dào, kẻ tranh nhau cầu đạo, không làm gì tự nhiên bình yên. Cho nên nói, cá quên nhau trong giang hồ, người quên nhau trong đạo thuật”.

Từ đó, từ “giang hồ” được sử dụng rộng rãi, câu chuyện Phạm Lãi “ngồi thuyền nhỏ trôi nổi trên giang hồ” được miêu tả trong “Hóa Thực Liệt Truyện” của Sử Ký, về một mức độ nào đó nó là sự tiếp nối một trạng thái tách biệt thế tục, ý cảnh cuộc sống nhàn nhã tự do thông qua từ “giang hồ” của Trang Tử.

Khi Trần Bình Nguyên thảo luận về khái niệm và diễn biến của “giang hồ” trong “Thiên cổ văn nhân hiệp khách mộng” có chỉ ra rằng, từ “giang hồ” trong các câu chuyện ly kỳ của nhà Đường là ám chỉ cuộc sống nơi dân gian tách biệt triều đình hoặc quan trường. Từ “giang hồ” trong các thoại bản của nhà Tống, nhà Nguyên thì bắt đầu được diễn biến thành nơi đánh nhau thí võ. Đến nhà Minh và nhà Thanh, trong các tiểu thuyết hiệp khách luôn xuất hiện hai chữ “giang hồ”, các tiểu thuyết ngày xưa lấy từ “giang hồ” để đặt tên cho tác phẩm, ví dụ như “Giang hồ kỳ hiệp truyện”, “Giang hồ đại hiệp truyện” và “Giang hồ quái dị truyện” của Bình Giang Bất Tiếu Sinh (tên thật Hướng Khải Nhiên).

Hai chữ “giang hồ” cứ như vậy mà âm thầm hình thành mối quan hệ không thể tách rời với tiểu thuyết kiếm hiệp: Giang hồ ở trong tiểu thuyết kiếm hiệp chủ yếu thể hiện tinh thần võ hiệp, còn giang hồ ở trong thế tục hồng trần thì lại được diễn giải thành lừa lọc và gian trá. Kim Dung với danh hiệu “võ lâm chí tôn”  ngay từ bộ tiểu thuyết đầu tiên “Thư kiếm ân cừu lục” đã liên tục miêu tả từng thế giới giang hồ, kỳ hình quái thú, mưa máu gió tanh. Đao quang kiếm ảnh được diễn tả tinh tế nhất ở trong “Thiên long bát bộ”, còn “Tiếu ngạo giang hồ” thì lại mang ý nghĩa hơi khác phong cách bình thường, thái độ của tác giả đối với “giang hồ” đã không còn sống động hào hùng như xưa nữa, mà là “tiếu ngạo”, một loại tâm thái thản nhiên sau khi suy ngẫm hồi lâu.

“Giang hồ” và tình người

“Tiếu ngạo giang hồ” được đăng trên tờ “Minh Báo” (Ming Pao) của Hồng Kông trong thời kỳ Cách mạng văn hóa của đại lục, trong bài viết đề cập đến các nhân vật như Tả Lãnh Thiền, Đông Phương Bất Bại, Nhậm Ngã Hành, trên người họ ít nhiều gì cũng mang màu sắc chính trị mới mẻ, các hành động như thanh lý môn hộ, bảo vệ vua chúa cũng mang ý nghĩa mỉa mai. Vì vậy, trong một thời gian dài “Tiếu ngạo giang hồ” được xem là tiểu thuyết mang tính châm biếm cuộc Cách mạng văn hóa, bị cho là tiểu thuyết “phản chính trị”.

Tuy nhiên tác giả Kim Dung lại nói rằng: “Tiểu thuyết mang tính châm biếm không nhiều ý nghĩa, tình hình chính trị sẽ thay đổi rất nhanh chóng, chỉ có khắc họa tình người, mới có giá trị lâu dài”. Vì vậy, xem tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung thành tiểu thuyết viết về con người để gia tăng sự thẩm định, thì mới có thể tìm lại giá trị và tính văn học bên trong tác phẩm, mới có thể phân tích giang hồ và tình người trong tiểu thuyết một cách khách quan.

Ảnh: Shutterstock

“Thế giới giang hồ” vật hóa

Tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung có bối cảnh lịch sử chân thật và rộng rãi, như giang hồ và giang sơn, lục lâm và miếu đường, đấu trường và chiến trường, quan trường và tình trường… Câu chuyện hư cấu của các nhân vật có thật trong lịch sử và tình người chân thật của các nhân vật hư cấu trong truyền kỳ, là đặc điểm và tiêu chí của tiểu thuyết Kim Dung. Trong 15 bộ tiểu thuyết của Kim Dung thì bộ  “Xạ điêu tam bộ khúc”, “Lộc đỉnh ký” và “Thư kiếm ân thù lục”  là những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp điển hình nhất về sự đan xen giữa nhân vật hư cấu và nhân vật lịch sử, không gian hư cấu diễn ra tại không gian và thời gian có thật trong lịch sử. Chỉ có tác phẩm “Tiếu ngạo giang hồ”, Kim Dung từ đầu đến cuối đều không ghi rõ niên đại, triều đại nào, điều này làm cho “Tiếu ngạo giang hồ” thoát khỏi sự vướng mắc của hiện thực và sự mắc kẹt của sứ mệnh thời đại, trở thành một “giang hồ” đúng với ý nghĩa thật của nó.

Giang hồ có thể mở rộng ra đến các đại đô đại thành rộng lớn, thâm sơn miếu cổ, thảo nguyên hoang mạc, thậm chí là những nơi bên ngoài biên cảnh, rồi lại nhỏ như các khách điếm hội quán, nhà cửa trang trại, thậm chí là nhỏ như một cái hang động. Trần Bình Nguyên từng nói đến: “Lựa chọn vách núi sơn động làm nơi chốn chủ yếu trong tiểu thuyết kiếm hiệp, đầu tiên là xuất phát từ nhu cầu của hiệp khách võ học”.

Thứ hai, càng là những nơi hiểm trở thì càng thể hiện được võ nghệ cao cường của hiệp khách, hoặc là chuyển nguy thành an, hoặc là cùng đường tìm ra lối thoát, đã là tiểu thuyết thì đều cần có một cơ may thay đổi tình thế, giang hồ chính là một nơi đầy rẫy nguy cơ nhưng lại ẩn chứa cơ may sống sót khắp mọi nơi. Trong cuộc đối kháng với miếu đường, hình ảnh giang hồ được thể hiện trong “Tiếu ngạo giang hồ” vừa không phải sự phản kháng tiêu cực sau khi mất lợi thế, cũng không phải sự tạo phản tích cực, mà là thể hiện ra một trạng thái tách biệt không đối thoại, không giao lưu. Trạng thái này khiến cho “giang hồ” càng trở nên thần kỳ, huyền bí, nhân vật trong “giang hồ” càng thể hiện được tình người một cách trọn vẹn, triệt để.

Nhân vật Lệnh Hồ Xung trong “Tiếu ngạo giang hồ” chính là một người sống vì giang hồ. Anh vốn dĩ là người tập luyện võ công trên núi Hoa Sơn, vì nhiều lần bị sư phụ xử phạt vào hang động ở sau núi để suy ngẫm kiểm điểm, mà được cao nhân thần bí truyền thụ võ nghệ độc cô cửu kiếm. Sau đó bị trục xuất khỏi sư môn, xuống núi phiêu bạt giang hồ, trong một lần bị thương, trên đường đi qua rừng trúc may mắn được Nhậm Doanh Doanh cải trang thành một bà lão cứu giúp.

Trong tiểu thuyết kiếm hiệp thường xuyên xuất hiện những từ ngữ “ lên núi”, “xuống núi”, lên núi tức là đi bái sư học nghệ, tu dưỡng tâm tính, xuống núi tức là đã đạt thành tựu trong việc học, tự đi tìm kiếm tương lai. Một ngọn núi có thể trở thành một giang hồ. Giang hồ là một nơi thực hư tương sinh, chính tà khó phân, lúc thì thành công huy hoàng, lúc thì không chỗ dung thân, là một nơi bất cứ lúc nào cũng có thể tạo ra hiệp khách, anh hùng.

Người trong giang hồ

Lệnh Hồ Xung là nhân vật có nhân cách hoàn hảo nhất trong tác phẩm, gặp phải rất nhiều gian nan mà người thường không thể chịu đựng nổi, bị người sư phụ kính yêu trục xuất khỏi sư môn, tiểu sư muội mà mình yêu lại để mắt đến người khác, kinh mạch hỗn loạn không rõ sống chết ra sao, nhưng cuối cùng vẫn không thay đổi bản sắc của đại hiệp: Đứng trước bao nhiêu sắc đẹp cũng không hề bị lay động, nhìn thấu sinh tử và xem nhẹ chuyện sinh tử, biết rõ là bị người khác bán đứng phản bội mà vẫn dùng nhân đức để đối đãi.

Một hiệp khách võ nghệ cao cường, xem trọng tình nghĩa, và là một người ngay thẳng, Lệnh Hồ Xung đối với bằng hữu, người thân và người yêu đều vô cùng chân thành, ví dụ như sự tôn kính nghĩa hiệp không đánh không quen biết với Điền Bá Quang; tình nghĩa huynh đệ giúp đỡ lẫn nhau với Hướng Vấn Thiên; tình cảm dành cho Nhạc Linh San không được báo đáp nhưng vẫn luôn dốc sức bảo vệ; vô cùng cảm kích tình cảm đơn phương của Nghi Lâm sư muội; tương thân tương ái với Nhậm Doanh Doanh…. Ánh sáng nhân cách của Lệnh Hồ Xung soi sáng trọn bộ tiểu thuyết.

Còn có sự yêu thương của sư mẫu Ninh Trung Tắc dành cho Lệnh Hồ Xung vượt xa tình cảm ruột thịt bình thường, tâm giao giữa Lưu Chính Phong và Khúc Dương, một lòng chỉ muốn hợp tấu ca khúc “Tiếu ngạo giang hồ” đã ấp ủ từ lâu, tình bạn của hai người bắt nguồn từ nghệ thuật và cũng dừng lại trong nghệ thuật lại càng khiến ánh sáng nhân cách được phát huy đến mức tột cùng. Chẳng trách có người nhận xét rằng: “Tiếu ngạo giang hồ là tiểu thuyết đẹp nhất của Kim Dung”. Kim Dung dùng vẻ đẹp nhân cách của các nhân vật để mở ra các tình tiết trong bộ tiểu thuyết, đồng thời cũng thông qua việc vạch trần sự tà ác và xấu xa để làm nổi bật vẻ đẹp của nhân cách.

Trong tiểu thuyết, nhân vật hình thành sự tương phản mãnh liệt với Lệnh Hồ Xung chính là sư phụ Nhạc Bất Quần mà Lệnh Hồ Xung từ nhỏ đến lớn đều vô cùng kính trọng. Nhạc Bất Quần vì muốn đoạt được “Tịch tà kiếm phổ” mà cương quyết chia cắt con gái mình và Lệnh Hồ Xung, vì muốn luyện được võ công tuyệt đỉnh, âm mưu toan tính không ngần ngại làm hại những người bên cạnh, vì muốn nắm quyền thống trị giang hồ, biến mình thành bộ dạng quái dị, bức hại vợ của mình, lấy con gái ra làm vật trao đổi, gả cho Lâm Bình Chi. Lòng dạ ác độc nổi bật nhất xuyên suốt toàn bộ câu chuyện chính là Nhạc Bất Quần nhiều lần lợi dụng tình nghĩa của Lệnh Hồ Xung dành cho mình mà không ngừng làm hại Lệnh Hồ Xung, dồn Lệnh Hồ Xung vào đường cùng.

So với “tiểu nhân thật” Điền Bá Quang thì nhân vật Nhạc Bất Quần là một ngụy quân tử cực kỳ điển hình và trọn vẹn. Phùng Kỳ Dung nói: “Tổng quan hình tượng của Nhạc Bất Quần, trong văn học lịch sử của Trung Quốc không có người thứ hai có thể giả tạo một cách triệt để như vậy, hình tượng nghệ thuật cặn kẽ như vậy, đây thực sự là một cống hiến lớn của Kim Dung”. So sánh với Nhạc Bất Quần, thì Nhậm Ngã Hành ngang ngược bá đạo đáng kính hơn, Tả Lãnh Thiền đầy dã tâm trở nên đáng thương hơn, ngay cả Đông Phương Bất Bại được xưng là “thiên hạ đệ nhất” cũng khiến người ta cảm thấy không quá chán ngán. Những nhân vật này vừa xuất hiện đã bị xác nhận rõ con người thật, tuy là mất đi một chút thú vị nhưng cũng trở nên “đáng yêu” hơn.

Cuộc chiến chính – tà

Điều hấp dẫn nhất trong các câu chuyện giang hồ từ trước đến giờ đều không phải là cuộc chiến chính tà rõ rành rành, mà là sự đọ sức kỳ quái vừa chính vừa tà mà lại không phải chính cũng không phải tà. Kim Dung từng mượn câu nói của Trương Tam Phong để suy ngẫm về vấn đề chính tà: “Hai chữ chính tà vốn dĩ khó phân biệt, đệ tử chính phái nếu như tâm thuật bất chính, thì là đệ tử tà môn, người trong tà phái chỉ cần một lòng hướng thiện, thì là chính nhân quân tử”. Chính tà nằm ở nơi tâm, ý nghĩ và nguyên tắc xử thế, chứ không phải chỉ nằm trong phạm vi truyền thống đạo đức, cũng không riêng gì sùng bái tôn giáo.

Trong chương “Thụ phổ” của tiểu thuyết “Tiếu ngạo giang hồ”, Lệnh Hồ Xung hỏi Phí Bân: “Chúng ta từ khi sống nơi đạo nghĩa hiệp, thề không đội trời chung với tà ma ngoại đạo, hai chữ nghĩa hiệp có ý nghĩa gì? Ức hiếp người đang bị thương nặng, có phải nghĩa hiệp không? Tàn sát phụ nữ và trẻ em vô tội, có phải nghĩa hiệp không? Nếu như có thể làm ra được những chuyện này thì có khác gì tà ma ngoại đạo đâu chứ?”.

Những chuyện thị phi đúng sai trên đời vốn dĩ không thể phân chia ranh rới rõ ràng như trắng với đen, đôi lúc cũng sẽ có những hành vi “vượt ranh giới”, hoặc là mơ hồ về đạo nghĩa, hoặc là đối với tham vọng do dự không quyết. Nhạc Bất Quần vốn là đệ tử của chính phái, nhưng vì lợi ích cá nhân mà rơi vào ma đạo. Trong tiểu thuyết của Kim Dung có vô số những nhân vật như vậy, đây cũng chính là điều thú vị nhất trong tiểu thuyết này. Không hoàn toàn phân biệt rõ chính và tà, chính tà có thể biến hóa khôn lường mọi lúc mọi nơi. Cũng giống như cách xử thế của con người, không có đúng sai tuyệt đối, không có thiện ác tuyệt đối.

“Tiếu ngạo giang hồ” của Kim Dung thấm đẫm tình người, làm mờ đi tính lịch sử và tính không gian. “Tiếu ngạo giang hồ” trở thành một nơi chứa đầy ý nghĩa huyền ảo trường tồn trong tâm của chúng ta. Mối quan hệ giao tiếp phức tạp trong võ lâm có đôi nét giống cấu trúc giao tiếp giữa người với người trong xã hội hiện thực. Cuộc chiến chính tà trong võ lâm cũng được xem là cuộc tranh chấp mâu thuẫn đúng sai của cả đời người.

Ảnh: Shutterstock

Nơi quay về của “giang hồ”

“Tiếu ngạo giang hồ” là tác phẩm thứ hai đếm ngược của Kim Dung, sau đó “Lộc đỉnh ký” lật đổ hoàn toàn truyền thống tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Nhưng sự lật đổ hoàn toàn này không phải là có được trong chốc lát, mà là trong sáng tác này từ từ phát hiện ra và cuối cùng mới được hình thành. Có thể thấy được động cơ sáng tác khác thường trong “Tiếu ngạo giang hồ”. Nếu như nói “Lộc đỉnh ký” là phản tiểu thuyết kiếm hiệp, vậy thì chúng ta có thể nói “Tiếu ngạo giang hồ” là phản tiểu thuyết giang hồ.

Đầu tiên, trong “Tiếu ngạo giang hồ” Kim Dung miêu tả một giang hồ sóng gió phiêu bạt và lợi ích làm mờ tâm trí, con người hành tẩu chốn giang hồ phần lớn đều là thân bất do kỷ, nhưng Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh đã đột phá được loại thân bất do kỷ này, vốn dĩ một người có thể trở thành chưởng môn phái Hằng Sơn, thậm chí là Ngũ Nhạc minh chủ, một người có thể kế thừa ý nguyện của cha, hoằng dương Nhật Nguyệt Thần Giáo, nhưng hai người lại cùng nhau lựa chọn sống ẩn dật, né tránh thế tục hỗn loạn, du ngoạn khắp núi non sông nước. Đây vừa là nơi quay về của Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh, cũng vừa là tâm thái thản nhiên mỉm cười nhìn giang hồ, mỉm cười nhìn cuộc đời của Kim Dung.

Khi rơi vào trong tình cảnh sống còn của mỗi cá nhân, tâm thái thản nhiên không tranh giành này mới là nơi nương dựa thực sự của đời người. Giống như Lão Tử nói: “Do vì không tranh, nên thiên hạ không ai tranh với ta”. Một tiếng “tiếu ngạo” của Kim Dung mang một trái tim yêu thương để nhìn cuộc đời. Cuộc đời này hiểm ác như vậy, lòng người khó đoán như vậy, nhưng nếu có thể sống tự do trong hoàn cảnh ác liệt như vậy, thì mới là ý nghĩa của lý tưởng tự do.

Theo Kknews
Châu Yến biên dịch

Video: Câu chuyện nhà tâm linh phương Đông và cuộc hành trình tìm kiếm kì lạ

videoinfo__video3.dkn.tv||2fc53753a__

Nguồn DKN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here