4 quy tắc trong vận mệnh giúp kiếp nhân sinh phú quý mãn đường

Người xưa có câu: không có quy tắc thì không thành vuông tròn. Vạn vật trong đất trời đều có quy luật vận hành của riêng mình, đây chính là đạo mà Thánh hiền ngày xưa đã nói. Con người sinh ra trên đời cũng phải tuân theo quy tắc về khái niệm “Thiên – nhân hợp nhất”, giống như trung chính trong đạo trung dung là không thiên lệch bất cứ điều gì, cần phải nắm được điểm tới hạn của mức độ này, nếu không, làm quá mức lại thành không hợp lý. Dưới đây là bốn quy tắc giúp mọi người có thể sống yên ổn:
Thị dục thâm giả thiên cơ thiển (Nhiều tham dục thì mất đi lý trí)
Dịch nghĩa: Người có nhiều tham dục sẽ mất đi lý trí, đồng thời càng nhiều ý nghĩ tham dục thì càng nhiều phiền não, khiến cho phúc báo của người đó rất mỏng. Câu này bắt nguồn từ câu nói “kỳ thị dục thâm giả, kỳ thiên cơ thiển” trong “Trang Tử”.
Con người không có điểm dừng cho dục vọng là nguồn gốc của mọi tội ác, mong cầu tham dục sẽ che mờ tâm trí của một người, khiến người đó rơi vào trong trạng thái trượt dốc dài của sự mù quáng mất hết lý trí mà không thể thoát ra được. Khổng Tử nói “dục nhất dĩ cùng chi, xá lễ hà dĩ tai?” (nghĩa là nếu muốn dùng một thứ để kiểm soát dục vọng, ngoài lễ nghĩa ra thì còn gì thích hợp hơn chứ?), câu này cũng muốn khuyên chúng ta rằng: cần phải dùng lễ nghĩa để kiểm soát dục vọng của con người, vì vậy người xưa có nguyên tắc làm người là khởi từ tình và dừng ở lễ.

Phúc mạc phúc ư thiếu sự, họa mạc họa ư đa tâm (Phúc lớn nhất là không phiền não, hoạ lớn nhất là quá đa nghi)
Dịch nghĩa: Phúc khí lớn nhất của con người không gì hơn là không có chuyện phiền não quấy nhiễu, tai họa lớn nhất của con người không gì hơn là đa nghi, tham lam mà gây ra phiền toái liên tục.
Câu này trích từ câu: “Phúc mạc phúc ư thiếu sự, họa mạc họa ư đa tâm. Duy khổ sự giả phương tri thiếu sự chi vi phúc; duy bình tâm giả thủy tri đa tâm chi vi họa” trong “Thái Căn Đàm”. (Phúc không gì hơn phúc bớt chuyện, họa không gì hơn họa đa nghi. Chỉ có người cực nhọc mới biết bớt phiền não là phúc; chỉ có người an nhiên mới biết đa nghi là họa).
Nếu tâm bạn luôn ở trạng thái yên bình thì chắc chắn sẽ bớt được rất nhiều chuyện phiền toái, như Tô Thức từng nói về cảm nhận cuộc sống: “thử tâm an xứ thị ngô hương” (Nơi nào tâm an nhiên thì là quê ta). Câu thơ “Nếu không chuyện vặt để trong lòng/ Thì là mùa đẹp của nhân gian” của một thiền sư thời nhà Tống cũng nói lên được đạo lý “phúc mạc phúc ư thiếu sự”. Còn tai họa thì bắt nguồn từ sự đa nghi, nghĩa là nghi ngờ sinh ma quỷ, sẽ gây ra tai họa ngoài ý muốn hoặc vô cớ xảy ra chuyện không may, ngoài ra về mặt biểu hiện rất giống với lời Khổng Tử nói: “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích” (quân tử ung dung thoải mái, tiểu nhân thường xuyên lo sợ), người có biểu hiện của sự nghi ngờ là luôn lo được lo mất, tính toán chi li.
Tàng xảo ư chuyết, ngụ thanh ư trọc (Thông minh ẩn sau vụng về, thanh cao giấu sau vẻ điềm đạm)
Dịch nghĩa: Đem sự thông minh khéo kéo giấu đằng sau biểu hiện vụng về là trí tuệ sau khi xem nhẹ mọi thứ; đem tài hoa, thanh cao ẩn giấu vào bên trong sự bình dị và điềm đạm.
Câu này trích từ “Tiểu song u ký”: “Tàng xảo ư chuyết, dụng hối nhi minh, ngụ thanh ư trọc, dĩ khuất vị thân”.
Câu nói “Đại trực nhược khuất, đại xảo tự chuyết, đại biện nhược nột” của Lão Tử cũng là đạo lý này. Con người quá thanh cao thì thiếu mất sự nhân từ, vì vậy người có phẩm chất thanh cao thực sự, có trí huệ thực sự sẽ không thể hiện bản thân, bề ngoài nhìn giống một kẻ ngốc ẩn mình trong đám đông. Ngược lại, các ví dụ thực tế về “cây cao nhất rừng, gió thổi ngã trước; hạnh cao hơn người, mọi người dị nghị” trong cuộc sống thì đâu đâu cũng có.

Hại nhân chi tâm bất khả hữu, phòng nhân chi tâm bất khả vô (Chớ nên có tâm hãm hại người nhưng phải có ý phòng người hại)
Dịch nghĩa: Làm người không được có tâm địa muốn hãm hại người khác, nhưng phải có ý thức phòng tránh người khác hại mình. Vừa phải có tính cảnh giác về sự an toàn hợp lý, vừa phải có tấm lòng khoan dung nhân hậu.
Câu này được trích từ “Thái Căn Đàm”: “Hại nhân chi tâm bất khả hữu, phòng nhân chi tâm bất khả vô, thử giới sơ ư lự giả”. (Tâm hại người không được có, tâm phòng người không thể không có – câu này nhắc nhở người thiếu suy nghĩ cần nên cẩn trọng).
Làm người phải lương thiện khoan dung, nhưng phải có nguyên tắc đúng sai. Giống như những lời nhắc nhở “suy nghĩ cẩn trọng rồi làm” trong “Luận Ngữ” và “vẽ rồng vẽ hổ khó vẽ xương, biết người biết mặt không biết lòng” trong “Tăng quảng hiền văn”. Những lời dạy này đều nói rõ con người và sự việc luôn phức tạp và thay đổi khó lường, không thể chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá và xử lý vấn đề. Làm chuyện gì cũng phải nắm được một phần chắc chắn, không nên thiếu sự phòng bị, giống như “Cảnh thế hằng ngôn” nói: “Người không có lòng hại hổ, hổ có ý làm thương người”.
Con người sống ở đời, đúng với câu “Phúc họa không có cửa, do con người tự rước”, nhân sinh tại thế, việc ứng xử đối đãi giữa con người với con người và xử lý sự việc cần phải có thiện ý và lý trí, nếu không sẽ không phân biệt rõ thiện và ác, thật và giả, rất có thể vô tình giúp đỡ kẻ xấu làm việc ác mà không hay biết, lại còn khiến bản thân bị hãm hại. Nhưng mà, tai họa không phải vô duyên vô cớ xảy đến, phúc báo cũng không phải tự nhiên xuất hiện. Vì thế, nếu chúng ta có thể thuận theo tình thế mà làm, chắc chắn sẽ phú quý mãn đường.
Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch
Nguồn DKN