Trang chủ Thông điệp cuộc sống Phụ nữ có con hay không, phải chăng là do số phận...

Phụ nữ có con hay không, phải chăng là do số phận đã an bài?

307
0

Phụ nữ có con hay không, phải chăng là do số phận đã an bài?

Nguồn: Freepick

Đối với một người phụ nữ mà nói, ngoài thiên chức làm vợ ra thì làm mẹ là một thứ thiên chức đặc biệt nhất mà tạo hoá ban tặng cho họ. Song cũng có không ít những người không thể có được cái vinh hạnh đó. Vậy nguyên nhân là do đâu?…

Xưa nay, không ít người từng thắc mắc về câu hỏi này. Có người nói, ấy là do số đã định như thế, có người nói ấy là phúc phận của mỗi người, lại có người nói là do quan hệ nhân quả từ tiền kiếp, v.v… phải chăng, nếu đã là định mệnh thì không còn cách nào vãn hồi? Vậy hãy đọc câu chuyện có thật dưới đây và cùng chiêm nghiệm về một phương thuốc tốt nhất để cải biến vận mệnh xem sao…

Trong cuốn sách “Duyệt Vi Thảo Đường bút ký” của Đại học sĩ Kỷ Hiểu Lam (Thời nhà Thanh) có câu chuyện rằng:

Tu Thiện tích đức không phải chỉ có thắp hương bái Phật

Nhà Vương Khánh Tra có một bà cụ thường thích kể những chuyện dị thường. Một hôm, có vài người thiếp nhà quyền quý kéo nhau đến hỏi bà:

– Thưa bà lão! Chị em chúng tôi, xét cả về nhan sắc lẫn tài hoa đều không thua kém thiên hạ, ấy vậy mà đều phải nhẫn nhục cam chịu làm thiếp cho người ta là nguyên cớ làm sao?

Bà cụ trầm ngâm hồi lâu, thở dài một tiếng rồi nói:

– Lẽ ở đời có nhân, có quả: ‘Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo’. Vạn vật trong Trời đất, Tam giới này đều có luật tương sinh tương khắc, chế ước lẫn nhau… Vì thế, theo luật chốn âm gian, việc ‘tiểu thiện’ (thiện nhỏ), việc ‘tiểu ác’ (ác nhỏ) có thể khắc chế nhau. Cho nên có thể lấy việc tiểu thiện mà triệt tiêu đi việc tiểu ác, nhưng việc đại thiện và đại ác lại không thể tương hỗ bù trừ cho nhau được. Các cô đời trước đều làm được một vài việc thiện, nên đời này được gả vào nhà phú quý hưởng cuộc sống sung túc an nhàn. Tuy thế, các cô đều đã từng làm việc xấu, mà tạo thành ác nghiệp, cho nên mới khiến các cô không toại nguyện. Nếu như đời này sống tốt, biết hành thiện tích đức thì ác nghiệp sẽ được tiêu trừ, có thể đời sau sẽ được hưởng phúc báo lớn… Nhược bằng, ở kiếp này vẫn không ngừng làm những chuyện xấu xa, ác nghiệp gia tăng thì sẽ mất hết phúc báo. Một khi phần thiện kia bị tiêu trừ hết, thì đời sau sẽ càng bi thảm hơn. 

Một người tì thiếp, thưa:

– Thường ngày chị em chúng tôi vẫn thường đi lễ chùa và thắp hương cầu phật độ trì cho chúng tôi được bình an. Đó cũng được coi là hướng thiện rồi phải không ạ?

Bà lão cười nói:

– Hành thiện chân chính vốn không như một số người vẫn nghĩ, ấy là thắp vài nén nhang; cầu Trời, khấn Phật được tai qua nạn khỏi, được ban phước lành… Những việc đó cũng là có cái tâm thành kính đối với Phật, nhưng: Hiếu kính người già, tôn trọng thê tử, giúp đỡ người nghèo… một lòng hành thiện không cầu báo đáp, ấy mới thực sự là đang hành thiện tích đức.

Nghe xong, một người thiếp khác lại hỏi:

–  Việc có con nối dõi phải chăng đã được định sẵn? Xin lão bà hãy khai thị giúp cho. Nếu kiếp này trời định tôi không thể có con, thì tôi cũng chẳng dám mơ tưởng hão huyền nữa.

Cụ bà bèn nói: 

– Việc có con hay không có con, ấy là phúc phận của một đời người. Việc đó chắc chắn là đã được định sẵn rồi! Nhưng chỉ cần cô làm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức thì cho dù số mệnh không có con cũng sẽ được cải biến. Nếu luôn làm những chuyện vô phúc, thì dù số mệnh an bài có con cũng sẽ mất đi hạnh phúc đó.

Nghe bà lão dạy phải, mấy chị em thê thiếp nhà nọ cùng nhau bái tạ, ra về mà trong lòng thấy nhẹ nhõm, an nhiên.

Nguồn: Freepick

Tai họa không phải tự nhiên mà đến

Có người làm việc tại Viện Hàn Lâm (không nhớ danh tính), kể lại rằng: Khi xưa, có lần ông đến thăm một người bạn ở Hàm Đan (Nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Không may người bạn đó không có ở nhà, nên ông đành trú tạm ở một miếu thờ Thành Hoàng gần đó. Tình cờ ông thấy một người bán dưa buông đôi quang gánh nằm ngả lưng ngay trước ban thờ tượng Thần. Trong miếu cũng có một ông lão hành nghề tướng số thường tá túc qua đêm ở đây. Ông lão nhìn thấy người bán dưa hành xử bất kính với Thần linh bèn khuyên anh ta rằng:

– Anh không được bất kính như vậy, Thành Hoàng có linh đó!

Người bán dưa đáp:

– Ông xem, ngôi miếu tồi tàn như thế này Thần linh nào ngự ở đây được?

Ông lão, cười nói:

– Anh không biết đấy thôi! Ban đêm, khi tôi trở dậy thường nghe thấy có tiếng người đàm luận xôn xao nơi đại điện. Có một lần, tôi bước nhẹ chân lắng tai nghe, thì thấy có con hồ ly đến cáo trạng với Thành Hoàng. Nó nói rằng, một con hồ ly gần hang của nó đã quyến rũ một thiếu niên và hút hết khí tinh hoa của cậu ấy, khiến cậu ta thập tử nhất sinh. Nhân lúc cậu thanh niên kia còn chưa tắt hơi thở, nó đã tranh thủ hút thêm chút tinh huyết cuối cùng. Không may bị người nhà phát giác, và hô hoán gia nhân đuổi bắt cho kì được. Con hồ ly đó sợ quá bèn hiện nguyên hình, chạy bán sống bán chết trở về hang, nhưng trong lúc túng bấn nó đã chui vào hang của con hồ ly bên cạnh hòng lẩn trốn. Nhưng dân làng đã kịp truy kích nó đến tận cửa hang và giăng lưới bên ngoài, rồi dùng lửa hun đốt vào trong hang khiến cả bầy hồ ly chết hết, chỉ còn một con duy nhất may mắn trốn thoát. Vì thế nó thấy vô cùng đau khổ, oan ức và oán hận. Con hồ ly bèn đến miếu Thành Hoàng cáo trạng, để tố tội con hồ ly đã gây nên tai hoạ diệt tộc cho nó.

Lại nói về thần Thành Hoàng, sau khi nghe con hồ ly cáo trạng xong, Ngài phán rằng:

– Hồ ly kia mang tội sát nhân, song lại làm liên lụy đến nhà ngươi. Nay ngươi cáo trạng nó, âu cũng là chuyện hợp lẽ. Vậy, ta hỏi ngươi: Con cháu của người có đi mê hoặc dụ dỗ con người hay không?

Con hồ ly cúi đầu im lặng hồi lâu, rồi ấp úng đáp:

– Cũng có ạ!

Thành Hoàng gạn hỏi tiếp:

– Vậy, giống hồ ly nhà ngươi có từng sát nhân không?

Hồ ly vẫn chỉ cúi gằm mặt xuống đất, và thưa:

 – Dạ…! dạ…! Cũng đã từng ạ!

 – Vậy, Ngươi đã hại chết bao nhiêu mạng người rồi?

Nghe xong, con hồ ly im lặng không dám trả lời. Thành Hoàng nổi trận lôi đình, lệnh cho thuộc hạ vả miệng nó. Lúc này, nó mới van lơn xin được nói:

 – Dạ thưa! Cả thảy nhà con đã hại chết mấy mươi mạng người rồi ạ!

Bấy giờ Thành Hoàng phán:

– Hồ ly kia! Các ngươi thường ngày đã sát hại mấy chục người dân vô tội, bây giờ phải chịu báo oán là lẽ đương nhiên. Để xảy đến cơ sự này, cũng chính là do oan hồn của những người dân lương thiện đã bị ngươi hại chết gây ra. Oan có đầu, nợ có chủ chẳng qua là họ đã nhân cơ hội con hồ ly kia gây tội mà báo thù rửa hận đó thôi. Nhà ngươi đã không biết tội, lại còn dám đến đây gióng trống kêu oan hay sao? Nói xong, Thành Hoàng lệnh cho người đem sổ ghi chép chi tiết từng tội lỗi mà chúng đã gây ra cho con hồ ly xem. Bấy giờ, con hồ ly vô cùng sợ hãi, khóc lóc van lạy xin được tha mạng, đoạn vội vàng rời đi… 

Kể xong câu chuyện, ông lão thầy tướng quay sang nói với người bán dưa: 

– Bây giờ anh có dám nói rằng, không có Thần nào ngự ở đây được nữa hay không? 

Người bán dưa, nghe xong mồ hôi chảy đầm đìa ướt hết cả áo, chân tay run lẩy bẩy… kể từ đó không bao giờ còn dám có hành động bất kính đối với Thần linh nữa.

***

Người xưa dạy rằng: “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Nghe câu nói này, có người tin và cũng có người không tin. Nhưng cho dù tin hay không tin thì Thần Phật vẫn luôn tồn tại, ma quỷ vẫn đội lốt người gây hoạ loạn thế gian mà người không biết.

Tuy nhiên sống ở đời, phúc – họa đều không phải tự nhiên mà đến. Bề ngoài như tai bay vạ gió, nhưng ai đâu hay rằng đằng sau ắt có những nguyên nhân sâu xa mà mắt thường khó có thể nhìn rõ cho được. 

Theo Sound Of Hope
Minh Tri biên dịch

Nguồn DKN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here