Quân tử kết giao nhạt như nước, tiểu nhân kết giao ngọt như rượu…

Khổng Tử lại cho rằng “hòa” không phải là không có nguyên tắc. Ông giảng rằng: “Người quân tử hòa mà không đồng, kẻ tiểu nhân đồng mà không hòa”…
Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, nội hàm của chữ “hòa” (和) rất phong phú. Trong mối quan hệ giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia cũng nói nhiều về chữ “hòa” này. Không chỉ vậy, giữa con người với thiên nhiên cũng nói về sự hòa hợp. Coi trọng chữ “hòa” cũng là điều mà truyền thống đạo đức của dân tộc Trung Hoa tôn sùng. Nội hàm ban đầu mà chữ “hòa” nhắc đến là hòa thuận và hài hòa. Đối với một cá nhân, “hòa” chính là khiến tấm lòng rộng mở, khoáng đạt, cương nhu phù hợp. Đối với một nhóm thì hòa thể hiện ở hòa thuận và hòa hợp với nhau.
Sách ‘Thượng thư – Nghiêu điển’ đã miêu tả cảnh tượng thiên hạ thái bình thời vua Nghiêu vua Thuấn như thế này. Lúc bấy giờ, vua quan cùng dân chúng đối đãi với nhau rất hòa thuận, người dân sống an cư lạc nghiệp. Cái gọi là “Mặt trời mọc thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi”, đây cũng là xã hội lý tưởng mà Nho gia muốn hướng đến. Xã hội này hình thành được là dựa trên “sự hài hòa” mọi phương diện. Gia đình hòa thuận, các cấp quan lại hài hòa, bang giao các nước hòa hảo, như vậy thiên hạ sẽ thái bình. Coi trọng nhân hòa chính là hy vọng mỗi người trong cộng đồng cần tự giác tuân thủ các chuẩn mực xã hội chung cùng với đạo đức xã hội. Người xưa chủ trương “Khắc minh tuấn đức” (tạm dịch: Làm sáng đức lớn), là muốn nhấn mạnh: làm người nên dùng sự hiểu biết về chữ hòa và đạo đức để thu phục người khác.
Trong ‘Luận ngữ’ của Khổng Tử giảng rằng: “Lễ chi dụng, hòa vi quý”, nghĩa là “Sử dụng lễ nghĩa thì hòa là quý”, trong lễ nghi lấy hòa là cảnh giới cao nhất. Các loại chế định quy phạm xã hội đều thuận theo thúc đẩy phát triển sự hài hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Tuy nhiên, Khổng Tử lại cho rằng “hòa” không phải là không có nguyên tắc. Ông giảng rằng: “Người quân tử hòa mà không đồng, kẻ tiểu nhân đồng mà không hòa”.
Khổng Tử cũng chỉ ra chỗ khác biệt khi kết giao của người quân tử và kẻ tiểu nhân. Người quân tử có đạo đức cao thượng, có chủ kiến của bản thân mình, đồng thời lại có thể rộng lượng với người khác, đối đãi với mọi người luôn hòa thuận, đây gọi là “hòa mà không đồng”. Kẻ tiểu nhân dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, bảo sao hay vậy, a dua nịnh hót, bề ngoài là hòa thuận mà thực ra là vì tư tâm, một khi có xung đột về lợi ích thì sẽ không thể hòa thuận được nữa, đây chính là “đồng mà không hòa”.
Nói đến “hòa”, nhiều người thường nghĩ ngay đến lời mà Mạnh Tử nói: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa”. Đây là lời mà Mạnh Tử đàm luận khi có chiến tranh. Nhân hòa có thể làm nên nghiệp lớn, nhưng để có nhân hòa thật không phải là việc dễ dàng. “Nhân hòa” chính là lòng người, là sự dung hợp ở bên trong, không có “nhân hòa” thì không có sức mạnh to lớn. Mạnh Tử còn nói đến những bậc quân chủ thánh minh thời xưa luôn “đồng cam cộng khổ” cùng mọi người, vui với niềm vui của dân chúng, cảm thông với nỗi khổ của họ, trong lòng có thiên hạ. Như vậy, họ mới được lòng người, được dân chúng ủng hộ. Những người làm được việc lớn trong thiên hạ thì thường không thể thiếu vắng “nhân hòa”.
Trong khi kết giao, làm thế nào giữ được hòa khí, hòa thuận, Cổ nhân cũng để lại lời dạy sâu sắc: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ; quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt”. Ý nói rằng, tình cảm giao hảo của người quân tử nhạt nhẽo như nước lã, tình cảm giao hảo của kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như rượu. Tình cảm của người quân tử tuy nhạt nhẽo nhưng lâu dài thân thiết, tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào, vồ vập nhưng lại dễ dàng dẫn đến tuyệt giao. Có thể thấy, trong con mắt của người xưa, người quân tử kết giao không mang theo màu sắc thực dụng, giống như nước thanh tịnh trong suốt.
Theo Vision Times
San San biên dịch
Nguồn DKN