Tích đức xả tài: Lựa chọn cao minh của Tăng Quốc Phiên và Lâm Tắc Từ

Có người thống kê, từ năm Hàm Phong thứ 3 thành lập Tương quân cho đến năm Đồng Trị thứ 7 kết thúc chiến sự, Tăng Quốc Phiên ký cấp phép khoảng ba ngàn năm trăm vạn lượng quân phí. Chỉ cần ông nổi lên một chút lòng tham, muốn tích lũy tài sản mấy trăm vạn là chuyện quá dễ dàng…
Tăng Quốc Phiên lãnh đạo Tương quân, quyền cao chức trọng, nắm quyền tài chính trong tay nhưng lại có thể giữ mình trong sạch, không tham một đồng nào của quân đội. Vào thời điểm ấy, một tấm phiếu muối có lợi tức ba bốn ngàn lượng bạc, nếu như Tăng gia lãnh phiếu theo quy định thì có thể được lãnh một hai trăm tấm, nhưng ông nghiêm cấm người nhà không được nhận lãnh. Còn vị quan Lâm Tắc Từ khi ấy phụng lệnh quốc gia nghiêm cấm á phiện, chỉ cần ông nới lỏng một chút là có thể nhận được mấy trăm vạn lượng tiền hối lộ một cách dễ dàng. Nhưng hai người họ lại đưa ra sự lựa chọn khác với tưởng tượng của người bình thường.
Vào thời Dân quốc, cháu trai của Tăng Quốc Phiên là Nhiếp Vân Đài đảm nhận chức chủ tịch thương hội Thượng Hải, vì ông là hậu nhân của danh gia vọng tộc, con cháu của gia tộc quyền quý vào cuối thời nhà Thanh và đầu thời kỳ Dân quốc, nên thường xuyên qua lại với các thương gia giàu có. Nhiếp Vân Đài tận mắt chứng kiến quá trình hưng thịnh và suy thoái của một số người, ông phát hiện ra rằng người của thời bấy giờ muốn kiếm tiền không khó, muốn làm giàu cũng không khó, nhưng muốn duy trì được sự giàu có thì lại rất khó.
Khi đó có không ít những quan lớn quý tộc đều từng hiển hách một thời, nhưng chỉ qua một thời gian sau, những gia tộc đó đều lụi tàn hết. Nguyên nhân phần lớn là do con cháu không nên người, không lo làm ăn, chỉ lo chơi bời chác táng, làm mất sạch hết toàn bộ của cải. Trong số những hậu nhân của các gia tộc giàu có, người đam mê học tập và có lòng cầu tiến thì không nhiều. Vì vậy, ông sáng tác một cuốn sách tên “Bảo Phú Pháp” (phương pháp giữ gìn sự giàu có), bàn luận về cách giữ gìn tài sản, có rất nhiều ví dụ được liệt kê trong cuốn sách này.
Thời kỳ mãn Thanh, trong các gia tộc quan văn quan võ, có rất nhiều gia đình cực kỳ giàu có, vượt xa ông ngoại Tăng Quốc Phiên của ông từng đảm nhiệm chức thống soái của Tương quân. Nhưng đến thời Dân quốc, mấy gia tộc lớn này đều đã lụi tàn. Chẳng qua chỉ mấy chục năm trôi qua, tài sản truyền đến đời thứ ba đã như mây bay khói tản, toàn bộ đều tiêu tan hết sạch. Ngược lại, những gia tộc nắm giữ quyền thế trong tay nhưng lại không chịu làm giàu cho bản thân, sau này lại có sự thay đổi cực kỳ lớn.
Lời thề của thống soái: quyết không trục lợi của công
Trong cuốn “Bảo Phú Pháp” Nhiếp Văn Đài có nhắc đến ông ngoại Tăng Quốc Phiên của ông làm quan 20 năm, muốn dựa vào địa vị chức quyền để mưu cầu tiền của cho gia tộc là một chuyện rất dễ. Tăng Quốc Phiên là thống soái tối cao của Tương quân, nắm giữ quyền lực tài chính tuyệt đối. Quân phí mà triều đình phát cho Tương quân đều là do Tăng Quốc Phiên ký xác nhận. Có người thống kê, từ năm Hàm Phong thứ 3 thành lập Tương quân cho đến năm Đồng Trị thứ 7 kết thúc chiến sự, Tăng Quốc Phiên ký cấp phép khoảng ba ngàn năm trăm vạn lượng quân phí. Chỉ cần ông nổi lên một chút lòng tham, muốn tích lũy tài sản mấy trăm vạn là chuyện quá dễ dàng.
Nhưng số tiền mà Tăng Quốc Phiên gửi về cho gia đình trong thời gian ông lãnh đạo Tương Quân lại còn ít hơn lúc ông còn làm quan ở kinh thành, thậm chí nhiều lúc còn không có tiền gửi về. Tăng Quốc Phiên từng thề trước các thuộc hạ của mình rằng: “Không lấy một đồng của quân đội gửi về nhà”. Phần lớn các tướng lĩnh thuộc hạ ở bên cạnh ông khi đó cũng rất thanh liêm trong sạch, vì vậy mà vô tình tạo phúc cho bá tánh.
Trong một bức thư gửi về nhà, Tăng Quốc Phiên đã giải thích nguyên nhân với người nhà rằng ông đã có lập lời thề rồi, và cũng từng dùng sáu chữ “không cần tiền, không sợ chết” để thể hiện rõ chí hướng của mình, không lừa dối tâm ý của mình. Ngoài những thực phẩm và y phục cần thiết bình thường, ông không gửi quá nhiều tiền về nhà, còn có một nguyên nhân là lo lắng tác phong gia tộc trở nên xa xỉ và kiêu ngạo. Trong bức thư gửi về nhà, ông nói: “Ta không muốn gửi nhiều ngân lượng về nhà, luôn lo sợ tiền bối trở nên xa xỉ, hậu bối trở nên kiêu ngạo, con cháu không có nhiều tiền thì không kiêu ngạo”.
Còn về bổng lộc hợp pháp, ông thường xuyên lấy ra quyên góp, để làm quân phí, quân lương. Đêm ngày 14 tháng 12 năm Hàm Phong thứ 7, ông gửi thư cho em trai là Tăng Quốc Thuyên nói rằng: “Ở Giang Tây có một vạn năm ngàn lượng bạc từ lợi tức muối ở Chiết Giang, hôm qua Cục muối phái người đến bẩm báo tra hỏi, ta căn dặn hắn giao nộp vào quốc khố bổ sung quân phí”.

Nắm giữ quyền lực tài chính, không tham ô, cho dù chỉ là một tấm phiếu muối
Tăng Quốc Phiên đích thân sáng lập ra phiếu muối của Lưỡng Hoài, định giá rẻ, nhưng lợi tức rất cao. Giá trị ban đầu của mỗi tấm phiếu muối là hai trăm lượng, sau này bán được hai vạn lượng. Lợi tức của một tấm phiếu muối khoảng ba, bốn ngàn lượng bạc. Tại thời điểm đó, nhà nào có một tấm phiếu muối là đủ điều kiện trở thành nhà giàu rồi. Tuy nhiên, Tăng Quốc Phiên đặc biệt căn dặn người nhà, không được nhận lãnh. Mặc dù đối với gia đình của Tăng Quốc Phiên, muốn nhận lãnh một vài trăm tấm phiếu muối là chuyện cực kỳ dễ dàng, hơn nữa về hình thức là không phạm pháp, nhưng Tăng Quốc Phiên quản lý gia đình rất cẩn trọng và nghiêm khắc, không cho người nhà làm như vậy.
Ông không chịu phát tài, cũng không hy vọng tích của cho con cháu, lo sợ con cháu đời sau nhiễm phải tác phong xa xỉ, khó mà trở thành người có ích. Trong bức thư gửi về nhà, ông nói: “Phàm là con cháu của gia đình quan liêu quý tộc, cơm áo và sinh hoạt hằng ngày, không ai là không giống với người bần hàn, thì có lẽ sẽ trở thành nhân tài có ích, nếu như nhiễm vào phong cách phú quý, thì rất khó có hy vọng thành tựu sự nghiệp lớn”.
Ông còn nói: “Tích lũy tiền của là vì nhu cầu cơm ăn áo mặc của con trai, nếu con trai có tài, thì không dựa vào tiền của từ chức quan, vẫn có thể tự tìm cơm ăn áo mặc; nếu con trai không nên người, tích góp thêm một ít tiền, tương lai sẽ tạo thêm một ít nghiệp, sau này tùy ý tạo ác nghiệp, chắc chắn sẽ làm ô uế danh tiếng gia tộc”. Tăng Quốc Phiên không chủ trương tích lũy tài sản cho con trai mình, ông cho rằng nếu như con trai ông là một nhân tài, cho dù không dựa vào con đường làm quan thì vẫn có thể tự tìm đường sống. Nếu như con trai bất tài không nên người, mà ông lại để lại quá nhiều tiền của cho con, thì chỉ khiến con mình tạo thêm nhiều nghiệp chướng, bôi xấu danh dự của gia tộc mà thôi.
Chịu ảnh hưởng từ Tăng Quốc Phiên nên con cháu đời sau của Tăng gia đều tự lực cánh sinh, theo đuổi sự tiến bộ, không những thế còn xuất hiện rất nhiều nhân tài ưu tú. Có người thống kê gia tộc họ Tăng, bắt đầu từ Tăng Quốc Phiên, trong tám đời xuyên suốt gần hai trăm năm đều không có một “bại gia chi tử” nào cả. Trong số con cháu của Tăng gia có gần hai trăm người được giáo dục cao cấp, số nhân tài có tiếng tăm lên đến gần 240 người.
Lâm Tắc Từ: yêu nước thương dân, từ chối nhận khoản hối lộ lớn
Trong những năm Đạo Quang của nhà Thanh, các thương nhân nước ngoài vận chuyển một lượng lớn nha phiến (thuốc phiện) vào Trung Quốc, dẫn đến phong tục bại hoại, sức khỏe của người dân đi xuống. Năm Đạo Quang thứ 18 (năm 1838), triều đình phong Lâm Tắc Từ làm Khâm sai đại thần, đi đến Quảng Châu nghiêm cấm thuốc phiện.

Khi đó có rất nhiều người muốn hối lộ Lâm Tắc Từ, nếu như ông ta muốn làm giàu, có thể kiếm được mấy trăm vạn lượng một cách dễ dàng, gia tộc cũng theo đó mà hưởng lợi. Nhưng Lâm Tắc Từ là một người yêu nước thương dân, biết rằng nha phiến gây hại cho bá tánh, gây thảm họa nặng nề cho đất nước, bởi vậy ông kiên quyết từ chối nhận sự hối lộ của các thương nhân, thiêu hủy gần hai vạn (20.0000) thùng nha phiến tại Hổ Môn.
Năm sau, cũng bởi việc này mà quân đội nước Anh uy hiếp triều đình nhà Thanh, triều đình vì muốn hòa bình, nên đã cắt chức Lâm Tắc Từ để điều tra, lưu đày ông đến biên cương để sung quân. Lâm Tắc Từ phải chịu cuộc sống lưu đày trong 5 năm.
Có lẽ có rất nhiều người sẽ nghĩ, Lâm Tắc Từ làm như vậy là vì mục đích gì? Từ chối nhận một khoản tiền hối lộ cực lớn, dốc sức nghiêm cấm thuốc phiện, cuối cùng rơi vào kết cục bị cách chức sung quân. Trước khi đi, ông làm một bài thơ tên là “Phó Thú đăng trình khẩu chiếm thị gia nhân”, trong đó có hai câu: “cức lợi quốc gia sinh tử dĩ, khởi nhân họa phúc tị xu chi”. Hai câu này có nghĩa là: chỉ cần có lợi cho quốc gia thì cho dù có phải hy sinh tính mạng của mình, ông cũng cam tâm tình nguyện, tuyệt đối sẽ không vì bản thân có thể sẽ gặp phải tai họa mà trốn tránh.
Đối với chuyện này, Nhiếp Vân Đài ghi chép rằng, sau khi Lâm Tắc Từ qua đời, Lâm gia không có tài sản tích lũy, nhưng không vì vậy mà lụi tàn. Trong số con cháu mấy đời của Lâm Tắc Từ, có rất nhiều người học tập theo cốt cách của ông mà có thành tựu, trong số cháu chắt của ông cũng có người thi đỗ tiến sĩ, cử nhân. Đến thời kỳ Dân quốc, Lâm gia vẫn duy trì được truyền thống học vấn, chủ tịch Lâm Tường của tòa án tối cao khi đó chính là hậu duệ của Lâm Tắc Từ, hơn nữa Lâm Tường cũng là một người có đạo đức rất tốt.
Lâm Tắc Từ không chịu làm giàu cho bản thân, nhưng ngược lại con cháu nhờ phúc đức đó mà trở nên giàu sang quyền quý.
Nhân lúc đất nước khó khăn để làm giàu, tiền vào bất chính cũng ra bất chính
Đồng thời, Nhiếp Vân Đài cũng ghi chép rằng ở Quảng Đông có ba thương nhân giàu có, ba người này là Ngũ thị, Phan thị và Khổng thị. Ba nhà này nhân lúc đang có chiến tranh nha phiến, làm giàu khi đất nước gặp nạn, kiếm được mấy trăm ngàn vạn lượng bạc trắng. Sự giàu có của ba gia đình này có thể sánh ngang với tài sản của đất nước, họ ăn mặc xa xỉ, ra vào có xe đẹp ngựa quý đưa đón, sống cuộc sống xa hoa tột bậc.
Vào thời điểm đó, phần lớn những bức tranh thư pháp cổ nổi tiếng đều có tên con dâu của Ngũ thị, Phan thị hoặc Khổng thị, thể hiện rằng những bức tranh thư pháp quý giá đó đều từng được ba gia đình này sưu tầm. Nhưng chỉ mấy chục năm sau, trong số con cháu đời sau của ba nhà này không có người nào thành tài cả, toàn bộ đều lụi bại không một ai ngoại lệ.
Trong “Đại Học” của Lễ Ký có một câu nói là “hóa bột nhi nhập giả, diệc bột nhi xuất”. Đại ý của câu này muốn nói rằng một người kiếm được tiền của bằng cách không chính đáng, phản bội đạo nghĩa, thì số tiền đó cũng sẽ mất đi bằng cách thức không hợp lý và không chính đáng.
So sánh tính cách giữa Lâm Tắc Từ và ba gia đình giàu có ở Quảng Đông, chắc chắn ba gia đình thương nhân này rất “thông minh và tài giỏi”, rất có đầu óc kinh doanh cho nên mới giàu lên nhanh chóng như vậy. Còn Lâm Tắc Từ thì thật “ngốc”, đứng trước số ngân lượng trắng lóa, có cơ hội kiếm được một số tiền cực lớn, nhưng lại không chịu làm giàu, có tiền cũng không muốn kiếm, thà là chịu bị cắt chức và đưa đi sung quân cũng phải kiên trì giữ gìn đức hạnh. Nhưng theo dòng chảy của thời gian, quay đầu nhìn lại, con cháu đời sau của họ có sự thay đổi quá khác biệt.
Khi đó, Thượng Hải có một thương nhân giàu có họ Trần, ông thậm chí còn được gọi là vua đầu tư đất đai. Tài sản của Trần gia lên đến bốn ngàn vạn lượng, hai người con trai của ông mỗi người được chia hai ngàn vạn lượng. Năm 1925, Nhiếp Vân Đài đến Trần gia làm khách, nhìn thấy nhà ở của Trần gia vô cùng tráng lệ. Bốn bức tường trong phòng khách đều được trang trí bởi những giá kệ thủy tinh, trưng bày những chiếc lư đồng cổ đại, toàn bộ đều là đồ cổ có lịch sử trên ba ngàn năm.
Những đồ cổ nổi tiếng của Trung Quốc khi đó, hầu như có một nửa đều là của Trần gia. Có thể tưởng tượng được mức độ xa hoa của Trần gia là như thế nào. Tuy nhiên, mới chỉ trải qua bảy năm, giá đất ở Thượng Hải đột nhiên rớt giá thê thảm, Trần gia đầu cơ thất bại dẫn đến phá sản. Những báu vật đồ cổ, nhà cửa đất đai của Trần gia, cùng toàn bộ tài sản đều bị ngân hàng tịch thu và giao bán.
Trong trắc 15 của “Vi Lô Dạ Thoại”, một cuốn sách khuyên dạy người đời của nhà Thanh có nói rằng: “Tích thiện để lại cho con trai, là suy nghĩ sâu xa cho con trai. Tài hoa mà nhiều tiền của, thì tổn hại ý chí, ngốc nghếch mà nhiều tiền của, thì tăng thêm nhiều lỗi. Phải biết là tích lũy tiền của cho con cháu là tai họa vô cùng”. Đại ý của đoạn văn trên là: Hành thiện tích đức phần lớn là để lại phước đức cho con cháu sau này, đây mới thực sự là lo nghĩ sâu xa cho con cháu nhất. Nếu con cháu có tài năng mà lại có thể sở hữu rất nhiều tài sản, số tài sản đó sẽ dễ khiến cho con cháu không biết cầu tiến, chỉ lo hưởng lạc, làm tổn hại ý chí con người. Nếu con cháu ngốc nghếch khù khờ mà lại có quá nhiều của cải, thì sẽ khiến cho chúng gây ra thêm nhiều lỗi lầm mà thôi.
So sánh sự thay đổi trong gia đình sau này của Lâm Tắc Từ và thương nhân họ Trần, có thể thấy rõ là cố tình tích lũy nhiều tài sản để lại cho con cháu hưởng thụ sẽ mang đến tai họa khó lường.
Theo Vision Times
Châu Yến biên dịch
Nguồn DKN