Trang chủ Thông điệp cuộc sống Thông điệp gia đình Hành trình tìm lại gia đình của người đàn ông Việt sau...

Hành trình tìm lại gia đình của người đàn ông Việt sau 40 năm lưu lạc trên đất Anh.

261
0

Hành trình tìm lại gia đình của người đàn ông Việt sau 40 năm lưu lạc trên đất Anh.

Ảnh: chụp màn hình BBC

Sau 40 năm lưu lạc xứ người, giờ đây anh đã không còn nói được tiếng việt nhưng trái tim anh vẫn luôn hướng về quê hương. Anh muốn được tìm về gia đình, về cội nguồn của mình nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Thế rồi, số phận mang đến cho anh những điều kỳ diệu giúp anh tìm lại gia đình mình.

Chia sẻ với BBC câu chuyện tìm lại gia đình của mình anh Thanh không khỏi xúc động.

Hành trình đến vùng đất mới

Anh Thanh, còn gọi là Tan sinh năm 1966, là con thứ tư trong một gia đình có sáu người con ở một làng nhỏ ngoại ô Cam Ranh. Cha anh từng làm trong căn cứ hải quân của Mỹ, nhưng sau năm 1975 cuộc sống của gia đình anh đảo lộn và gặp nhiều khó khăn.

Để có thêm thu nhập cho gia đình, anh bắt đầu phụ việc cho một chủ thuyền cá từ khi 12-13 tuổi. Sau một thời gian, qua công việc hàng ngày, anh được biết người chủ thuyền thường tổ chức các chuyến vượt biên rời Việt Nam. Năm anh 14 tuổi, ông chủ nói anh có thể được lên thuyền đi vượt biên mà không phải đóng tiền. Khi đó, để có thể lên thuyền mọi người phải trả một khoản tiền lớn hoặc trả nhiều vàng.

Anh được dặn không được kể với bất cứ ai về chuyến đi kể cả bố mẹ mình. Thế là chừng ba giờ sáng đêm hôm ấy, anh lên thuyền ra khơi như một ngày làm việc bình thường. Lúc đó, anh không nghĩ ngợi nhiều về những gì đang chờ đợi phía trước, mà chỉ linh cảm đây là con đường đưa anh tới một cuộc sống khấm khá hơn.

Con tàu chở anh và 82 người khác đi về hướng Hong Kong hoặc Phillippines theo kế hoạch, nhưng sau bảy ngày họ hết sạch nhiên liệu và đồ ăn mà vẫn chưa tới được đâu. Tưởng chừng, tất cả sẽ phải lênh đênh trên biển đến lúc chết nhưng thật may mắn, một tàu chở dầu lớn của Anh đã cứu giúp và đưa cả đoàn đến Thái Lan.

Trong ba tháng chờ làm giấy tờ xin tỵ nạn, anh được chuyển từ trại này sang trại khác, hầu hết sống trong điều kiện rất thiếu thốn. Anh được chọn sang sống ở Anh, Ý hoặc Mỹ. Khi đó, anh nghe theo lời khuyên của người lớn và chọn đi Anh vì Anh có hệ thống giáo dục tốt hơn.

Anh đặt chân đến xứ sở sương mù tháng 12/1980. Khi mới sang Anh, anh và một số người Việt khác được tổ chức nhân đạo Ockenden Venture nhận chăm sóc. Thời gian đầu, anh được xếp ở với một gia đình người Việt tại thị trấn Woking, đông nam nước Anh. Họ giúp anh viết thư gửi về cho gia đình vì anh không biết đọc, biết viết do không được đi học ở Việt Nam.

Ảnh chụp màn hình BBC

Lâu lâu, anh cũng nhận được thư của gia đình. Vì sống ở một đất nước xa lạ khi còn ở tuổi thiếu niên nên anh luôn nhớ nhà và đã khóc rất nhiều.

Sau hơn một năm, anh cùng hai cậu bé người Việt được chuyển nhà và chuyển trường tới bắc xứ Wales. Những lá thư nhà thưa dần và rồi dừng hẳn khi anh chuyển địa điểm. Hai năm sau, anh lại di chuyển tới Manchester, rồi đổi hướng từ học đại học sang học nghề cơ khí, và cuối cùng làm thợ sơn ô tô, nghề mà anh làm trong khá nhiều năm.

Sau khi chuyển địa điểm nhiều lần, anh mất liên lạc với những người đã giúp anh viết thư cũng như những cậu bạn ở cùng trung tâm tị nạn.

Cơ duyên khó tin

Từ khi có công ăn việc làm ổn định, hơn 30 năm qua, anh Thanh luôn đau đáu muốn tìm lại tung tích gia đình ở Việt Nam, nhưng anh không biết phải bắt đầu từ đâu. Anh từng nghĩ đến chuyện nhờ bạn bè gốc Việt, hay thậm chí nhờ chương trình tìm cội nguồn của BBC giúp đỡ. Nhưng tất cả mới chỉ trong suy nghĩ, anh chưa có bước đi cụ thể nào. Thế rồi, một cơ duyên khó tin đã xảy ra.

Anh tình cờ quen anh Trung đang sống ở Sài Gòn qua một trò chơi online và anh tự hỏi có nên về Việt Nam để gặp anh Trung xem anh ấy có giúp được gì không. Thế là anh mua vé lên đường đi TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 3/2020.

Anh Thanh (giữa) cùng hai người bạn ở TP HCM – anh Trung và chị Ngọc (Ảnh chụp màn hình BBC)

“Thật tuyệt vời khi được thấy Việt Nam sau 40 năm. Tôi rất vui nhưng cũng hơi xấu hổ một chút vì tôi không nói được tiếng Việt.” anh Thanh chia sẻ cảm xúc khi quay trở về Việt Nam.

Anh Trung đưa anh đi chơi, thăm thú Sài Gòn bằng xe máy và qua anh ấy anh còn gặp được chị Ngọc, người sau này đã giúp anh tìm lại được gia đình. “Cho tới khi tôi gặp họ, tôi không nghĩ là trên đời lại có những người tốt như vậy. Họ giúp tôi như thể họ đã biết tôi từ nhiều năm. Họ không muốn gì từ tôi cả, họ chỉ muốn giúp tôi.”

Tấm bản đồ và lá thư định mệnh

Chị Ngọc và anh Trung dẫn anh đi thăm Dinh Độc Lập, khi dừng chân trước một bản đồ cũ về các cuộc chiến trước 1975 anh chỉ ngay vào một khu vực ở Cam Ranh và nói nhà anh ở gần khu vực đó. Chị Ngọc nhận ra nơi đó gần khu nhà một người bạn chị ở Cam Ranh – khu Ba Ngòi.

Ngay tại Dinh Độc lập, chị Ngọc tìm ra số điện thoại của người bạn đã lâu ngày không liên hệ. Chị gọi cho người bạn và được biết anh vẫn ở đó, nhà anh sống rất gần khu cảng cá mà anh Thanh chỉ trên bản đồ. Đó là manh mối đầu tiên có được.

Tuy nhiên, khi mới ở Sài Gòn được vài ngày thì công an khu vực khách sạn nơi anh ở thông báo: anh phải đi cách ly tập trung 14 ngày vì có người trên cùng chuyến bay London – TP HCM với anh nhiễm Covid-19.

Ảnh chụp màn hình BBC

Hết thời hạn cách ly, anh phải trở lại Anh ngay vì đã hết phép. Anh không có cơ hội về thăm Cam Ranh và không tìm được thêm manh mối nào về tung tích gia đình. Nhưng chị Ngọc vẫn không quên mục đính chính trong chuyến đi của anh và tiếp tục hối thúc anh tìm lại những lá thư cũ người nhà gửi cho anh gần 40 năm trước.

Và thật may mắn, vài tuần sau, anh tìm được một lá thư mẹ anh gửi năm 1981. Anh vội vàng chụp hình gửi cho chị Ngọc. Ngay khi nhìn thấy trang đầu tiên của bức thư, chị Ngọc đã không thể tin vào mắt mình. Trong đó có đầy đủ thông tin địa chỉ của gia đình anh, chị vô cùng xúc động.

Trong lá thư ghi ngày 10/08/1981, mẹ anh làm theo lời anh dặn và ghi đầy đủ tên tuổi, địa chỉ của từng người trong gia đình. Khi đó anh Thanh từng hy vọng có thể làm thủ tục để đưa gia đình sang Anh, nhưng đã không thành công. Rồi anh mất liên hệ với gia đình không lâu sau khi nhận được lá thư này.

Chị Ngọc gọi điện ngay cho người bạn ở Cam Ranh, và thật tình cờ, địa chỉ trong thư chỉ cách nhà anh ấy chừng một cây số. Sau đúng một tháng kể từ khi anh Thanh về Việt Nam và quay lại Anh, chị báo tin đã tìm được gia đình anh.

Ảnh chụp màn hình BBC

Chị Ngọc giúp anh gọi điện cho chị Yến, em gái anh ở Cam Ranh. Khoảnh khắc đó, hai anh em chỉ biết nhìn nhau và khóc, chị Ngọc cũng khóc.

“Không hiểu sao mà mình cảm thấy giống như là mình tìm được người thân cho mình vậy, giống như là gia đình anh là một phần của Ngọc vậy đó.” chị Ngọc xúc động nói.

Trái tim tôi thuộc về Việt Nam

“Trái tim tôi thực sự thuộc về quê hương… Việt Nam đối với tôi là quê hương. Tôi biết chắc chắn là tôi thuộc về gia đình tôi. Đấy là những gì tôi cảm thấy trong lòng.”

Nhiều chuyện đã xảy ra trong 40 năm anh xa quê. Bố mẹ anh đã mất nhưng anh không biết, đó là điều khiến anh đau lòng nhất.

Từ khi tìm được gia đình, anh thường xuyên liên hệ với chị Yến. Anh cũng đã thay đổi những dự định trong tương lai. “Tôi muốn về Việt Nam có thể là hai lần mỗi năm, không chỉ là để thăm người nhà mà còn tìm lại cội nguồn của tôi.”

Anh muốn học lại tiếng việt, anh mong ước được sớm trở lại Cam Ranh đoàn tụ và kết nối với đại gia đình, được quan sát chị Yến, em gái anh làm các công việc thường nhật, và ra biển trên một chiếc thuyền cá như tuổi thơ anh ngày nào.

Anh đã đặt vé hy vọng tháng 11 sẽ về Cam Ranh đoàn tụ với gia đình, nhưng do dịch Covid-19, kế hoạch của anh phần nhiều sẽ phải hoãn lại. Dù chưa thể đoàn tụ cùng gia đình nhưng anh đã tìm được bến đỗ tinh thần sau nhiều năm lưu lạc.

Video xem thêm: 10 lời dạy ‘đắt hơn vàng’ của Khổng Tử có thể thay đổi cuộc đời bạn

videoinfo__||e7b501314__

Nguồn DKN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here