Người đàn ông khuynh gia bại sản vì bỏ người bạn đời chung thuỷ để lấy vợ bạn thân

Ông Tưởng Mộng Lân vốn là một người đàn ông tài giỏi nhưng vì không biết trân trọng tình nghĩa vợ chồng, bỏ mặc người vợ tào khang gắn bó với mình mấy chục năm để chạy theo nữ sắc nên đã phải nhận về một cái kết quá đau lòng.
Theo KKnews, ông Tưởng Mộng Lân, người Chiết Giang (Trung Quốc), là hiệu trưởng tại vị lâu nhất của trường Đại học Bắc Kinh. Khi còn trẻ, trước khi sang Mỹ du học, ông được gia đình sắp xếp kết hôn với cô gái cùng quê Tôn Ngọc Thư. Cuộc hôn nhân không có tình cảm từ trước nhưng khá hạnh phúc. Bà Tôn Ngọc Thư là một người vợ chung thủy, mẫu mực. Cả hai có với nhau 2 người con, một trai một gái. Tuy nhiên bé gái bị bệnh mất sớm.
Sau 9 năm học tập ở 3 trường Đại học, ông Tưởng quay về, vợ ông lần lượt sinh thêm 3 người con. Nhưng do chênh lệch học thức, khoảng cách giữa 2 vợ chồng ngày càng lớn, cho đến khi bà Đào Tăng Lộc xuất hiện, cuộc hôn nhân của 2 người hoàn toàn tan vỡ.

Bà Đào Tăng Lộc vốn là vợ của Cao Nhân Sơn – bạn thân của Tưởng Mộng Lân, cùng làm giáo sư ở Đại học Bắc Kinh. Năm 1928, Cao Nhân Sơn qua đời, Đào Tăng Lộc và Tưởng Mộng Lân từ đó nảy sinh tình cảm. Đến năm 1933, ông Tưởng quyết định ly hôn bà Tôn để kết hôn với bà Đào Tăng Lộc.
Bà Tôn im lặng, không báo tin cho các con chuyện bố mẹ ly hôn, chỉ đến khi ông Tưởng đăng tải lên báo, con trai bà Tôn Ngọc Thư mới biết chuyện. Lúc ấy, bà chỉ lặng lẽ nói: “Cha con đã thay lòng đổi dạ rồi”.
Vì cảm giác tội lỗi nên ông Tưởng vẫn cho bà Tôn sống cùng nhà. Dù đã ly hôn nhưng bà Tôn vẫn chăm sóc phụng dưỡng cha chồng cẩn thận. Về phần mình, ông Tưởng sẽ nuôi dạy, trả tiền học phí cho các con.

Cuộc hôn nhân mới đã không đem lại cái kết đẹp. Bà Đào là một người sống xa hoa, luôn ỷ chồng là người có quyền mà tùy tiện ra lệnh khiến nhiều người trong trường bức xúc. Năm 1944, nhiều giáo sư và sinh viên trường đã yêu cầu Tưởng Mộng Lân rời khỏi trường vì vợ. Sau đó, ông từ chức Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh.
Đến năm 1957, bà Đào qua đời vì bệnh nặng. Ông Tưởng khi đó đã 72 tuổi lại quyết định theo đuổi bà Từ Hiền Lạc.
Bà Từ Hiền Lạc năm đó 52 tuổi, từng là hoa khôi hồi học ở Đại học Quảng Hoa (Thượng Hải), gia đình lại là dòng dõi tri thức nên đã lọt vào mắt xanh của ông Tưởng. Tuy là một người có nhan sắc nhưng tiếng tăm của bà Từ lại không mấy tốt lành. Bà từng có cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 7 tháng, những mối tình tiếp theo cũng kết thúc vì rắc rối về vật chất.

Mặc cho nhiều người cảnh báo can ngăn mối quan hệ với bà Từ, ông Tưởng vẫn không đoái hoài. Và quả đúng như lời đồn, ngay đêm tân hôn, bà Từ đã yêu cầu nắm giữ hết sổ tiết kiệm, danh sách cổ phiếu của ông Tưởng. Dần dần, tất cả tài chính của gia đình đều nằm trong tay bà. Thậm chí, có lần bà còn bỏ đói chồng khiến ông phải đi ở nhờ nhà bạn. Bà cũng đẩy con gái, con rể của chồng ra khỏi nhà.
Không những thế tháng 12/1962, khi ông Tưởng bị tai nạn gãy chân, bà Từ vẫn mải mê tham gia tiệc tùng với hội bạn. Bà còn lên kế hoạch lợi dụng chuyển hết tài sản của chồng đi, chiếm cả bất động sản.
Quá chán nản, khổ sở và hối hận vì xưa kia không nghe lời can ngăn của mọi người, ông Tưởng đã đâm đơn ly hôn. Tháng 1/1964, hai người hoàn thành thủ tục ly dị. Ông Tưởng phải bỏ ra 500 nghìn NDT (hơn 1,7 tỷ đồng) tiền cấp dưỡng mới được phân xử.
Sau khi đã kiệt quệ cả về kinh tế, sức khỏe lẫn tinh thần, ngày 29/6 năm đó, ông qua đời vì ung thư gan. Trong khi đó, bà Từ chiếm hết số tài sản và sống đến năm 98 tuổi.
Video: Đạo nghĩa vợ chồng trong văn hoá truyền thống
Nguồn DKN