Cụ ông 80 tuổi bỏ nhà đi vì gần 40 năm không được cầm lương và… vợ nấu ăn mặn

Cuộc sống hôn nhân khó tránh khỏi những lúc va chạm và mâu thuẫn, dù là vợ chồng trẻ mới cưới hay những cụ ông cụ bà đã sống với nhau hơn nửa đời người.
Ngày 19/12 vừa qua, cảnh sát ở Trùng Khánh (Trung Quốc) đã phát hiện cụ Li (80 tuổi) đi lạc khi đang đi đến nhà con trai. Sau đó họ đã giúp cụ đến nhà con trai an toàn.
Sau khi chuyện trò, cảnh sát biết được nguyên nhân cụ ông bỏ nhà đi trong đêm tối là vì giận vợ, suốt gần 40 năm kết hôn mà cụ ông không được cầm lương, mọi tài chính chi tiêu trong nhà đều do vợ quản.
Buổi tối hôm ấy, vợ cụ Li còn nấu đồ ăn quá mặn khiến ông ăn không nổi. Giọt nước tràn ly, ông quyết định bỏ đi đến nhà con trai (cách đó vài cây số) để than thở nhưng chẳng may bị lạc đường.
Ngày hôm sau, cảnh sát đã tới nhà cụ Li để hòa giải chuyện vợ chồng. Cụ Mei (vợ cụ Li) tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi biết chồng giận mình, bởi từ trước tới giờ cụ Li chưa bao giờ đề cập đến việc thức ăn mặn và thẻ lương.
Đêm 19/12, cụ Mei ra ngoài đi mua thuốc, sau đó tới chơi mạt chược cùng những người hàng xóm. Khi về đến nhà, tìm không thấy chồng đâu, cụ bà liền báo ngay cho cảnh sát.
Cụ Mei không ngần ngại chia sẻ với cảnh sát về tài chính của gia đình: Lương hưu của cụ khoảng 2.000 tệ, lương hưu của chồng khoảng 4.000 tệ. Trừ các khoản sinh hoạt phí và các chi phí phát sinh như quà tặng, ma chay hiếu hỉ, cụ bà sẽ dành số tiền còn lại để tiết kiệm, coi như khoản lương hưu của 2 người.

Cụ Mei đưa cho mọi người xem số tiền tiết kiệm được và cam kết rằng chưa bao giờ sử dụng tiền bừa bãi. Có lẽ cụ Mei muốn để dành tiền để chuẩn bị cho cuộc sống tuổi già sau này của hai vợ chồng, nhưng do cách chi tiêu chặt chẽ quá nên khiến cụ Li có phần khó chịu.
Trong cuộc sống kết hôn, tính cách của hai cụ cũng khá khác nhau: tính cụ Mei hướng ngoại còn cụ Li hướng nội. Trước mặt cảnh sát, cụ Mei cũng xin lỗi chồng vì mình già nên đôi khi nấu ăn “không chuẩn” và nói: “Ông phải nói đồ ăn không ngon, chứ không nói sao tôi biết được”.
Mọi chuyện đã được giải quyết êm xuôi, cụ Li sau đó vẫn nhờ vợ quản lý tiền bạc trong nhà. Dường như hiểu nhầm lần này đã giúp hai cụ hiểu và cởi mở với nhau hơn.
***
Trong hôn nhân, ngoài chữ “tình” vợ chồng sống với nhau còn vì hai chữ “ân nghĩa”. Người xưa nói “Tu trăm năm mới đi chung một chuyến thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Hai con người xa lạ không quen biết có thể sống chung một mái nhà là điều không dễ dàng, nhất là khi tính cách, quan điểm sống khác nhau. Nhưng vì chữ duyên, vì cái “ân nghĩa” vợ chồng mà mỗi người nên bao dung một chút, nghĩ cho người người kia một chút, cuộc sống rồi sẽ êm xuôi.
“Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”, cho dù bạn muốn hay không muốn thì người sẽ làm vợ hoặc chồng của bạn đã được an bài sẵn rồi, là do duyên nợ kiếp trước mà thành. Hãy đối xử tốt với nhau, đừng để nợ cũ chưa xong lại tích thêm nợ mới. Hãy học cách yêu thương người bạn đời của mình, cuộc sống của bạn sẽ tốt đẹp hơn nhiều!
Video: Đạo nghĩa vợ chồng trong văn hoá truyền thống
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn DKN