Cảm động: Người vợ nhiễm HIV kỷ niệm 18 năm hôn nhân hạnh phúc

Từng chịu đựng những tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần từ thời thơ ấu, một phụ nữ nhiễm HIV giờ đây muốn nói với cả thế giới rằng: bất kỳ ai lâm vào hoàn cảnh như cô cũng có thể nhận được tình yêu vô điều kiện, sự bao dung và một gia đình hạnh phúc.
Mandisa Dukashe và chồng, Siyabulela Dukashe, đến từ tỉnh Gauteng, Nam Phi, có chung hai cô con gái nhỏ và mỗi người một con từ các mối quan hệ trước đó.
Trò chuyện với The Epoch Times, cặp đôi cho biết cuộc hôn nhân hạnh phúc của họ đã bền chặt trong 18 năm dài viên mãn. Tuy nhiên, câu chuyện cuộc đời của Mandisa lại bắt đầu theo một cách hoàn toàn khác.
“Tôi là đứa con đầu tiên được đi học và là hy vọng duy nhất để đưa gia đình tôi ra khỏi căn lều tồi tàn”, Mandisa nói với The Epoch Times qua email.
Là một trong 5 anh chị em, Mandisa nhớ lại quãng thời gian lớn lên ở thị trấn Kids Beach ở Eastern Cape. Mẹ của cô, một người giúp việc nhà, đã đưa cô đến sống với ông bà ngoại và 10 người anh em họ ở một ngôi làng nông thôn khi cô mới 2 tuổi. Cha cô, một cảnh sát, đã bị giết khi làm nhiệm vụ một năm sau đó, và mẹ cô đã từ chối nuôi cô.
“Tôi rất thân với bà của mình”, Mandisa nói. “Bà là một người phụ nữ yêu thương và chu đáo… nhưng vì bà phải nuôi dạy 14 đứa cháu, bà không thể dành cho chúng tôi sự quan tâm mà chúng tôi cần”.
Mandisa cho biết người chú bạo hành của cô thường đe dọa đuổi bọn trẻ ra đường. Năm 12 tuổi, Mandisa bỏ học để làm việc tại một trang trại địa phương.
Mandisa nói: “Sự vắng mặt về thể chất và tinh thần của mẹ đã khiến tôi phải bỏ học. Tôi cũng hẹn hò với những người đàn ông lớn tuổi chỉ để lấy tiền gửi cho anh chị em của mình và mua đồng phục học sinh cho họ, đó là điều mà tôi có thể gọi là bán dâm”.
Mandisa, sống trong căn lều một phòng, kết hôn với một người đàn ông hơn cô 9 tuổi vào năm 1996.
“Tôi quyết định kết hôn vì nghĩ rằng việc ấy có thể đảm bảo cho tôi một tương lai. Anh ấy đã có một công việc và đang chu cấp cho tôi, đó là điều đã thu hút tôi đến với anh ấy”, cô nói.
Mandisa sinh con trai nhưng xét nghiệm dương tính với HIV sau 6 năm kết hôn. Bất hạnh đến tuyệt vọng, cô ly hôn vào tháng 1 năm 2003.
“Lần đầu tiên khi nghe về chẩn đoán, tôi đã nghĩ đó là dấu chấm hết cho cuộc đời mình”, cô nói.
“Tôi đang học năm thứ 2 tại trường đại học và có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tin tức đã ảnh hưởng đến kết quả học tập của tôi trong suốt một năm nhưng tạ ơn Chúa, tôi đã hoàn thành chương trình học trong thời gian kỷ lục”.
Rồi vào mùa đông năm 2003, một chương mới của cuộc đời đã khiến cô bất ngờ.
“Đó là một mùa lễ hội”, Siyabulela nhớ lại. “Tôi nhìn thấy cô ấy đi dạo cùng bạn bè. Tôi đến gần cô ấy, nói với cô ấy rằng tôi yêu cô ấy biết bao”.
Mandisa nói: “Anh ấy yêu tôi vô điều kiện, chấp nhận tôi ở bên con trai từ cuộc hôn nhân trước của tôi, và cũng tuyên bố tình yêu của anh ấy dành cho tôi bất chấp việc tôi bị chẩn đoán HIV”.
Tình yêu chân thành của Siyabulela đã được đền đáp; cuối cùng cặp đôi kết hôn vào tháng 9 năm 2007.
“Không có gì trong tâm trí của tôi nói rằng hãy để tôi phân biệt đối xử hoặc kỳ thị cô ấy. Tất cả chúng ta đều được tạo ra theo hình ảnh của Chúa”, Siyabulela nói. “Đức Chúa Trời thúc đẩy tình yêu thương… sức mạnh của tình yêu thương đó là điều khiến chúng ta tiến lên.
Tuy nhiên, việc Mandisa nhiễm HIV đã khiến họ cân nhắc trước khi quyết định có con với nhau. Họ đã chọn phương pháp tốn kém là thụ tinh trong tử cung và sinh ra một cô con gái âm tính với HIV vào năm 2010.
Khi họ dự định mang thai đứa con thứ hai, Mandisa bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ART), khiến chứng bệnh HIV của cô “không thể phát hiện được”. Cô sinh con gái thứ hai âm tính với HIV vào năm 2014 trong khi vẫn giữ nguyên tình trạng âm tính với HIV của chồng cho đến ngày nay.
“Cô ấy là một phần của tôi, tôi là một phần của cô ấy”, Siyabulela nói. “Tôi thậm chí còn cảm ơn Chúa đã ban phước cho tôi, đã thông qua cô ấy để sinh cho tôi những cô con gái xinh đẹp này. Chúng là những người mà tôi yêu nhất”.
Siyabulela cho biết những người có HIV dương tính cần được yêu thương và hỗ trợ.
Anh nói: “HIV không phải là một bản án tử hình”, và nói thêm rằng bạn cần biết tình trạng của mình.
“Làm xét nghiệm HIV. Điều rất quan trọng là phải tham gia vào một mối quan hệ với ý thức rõ ràng về những gì đang xảy ra liên quan đến HIV”, anh nói.
Để giúp đỡ những người khác, Mandisa và Siyabulela đã cùng nhau thành lập một tổ chức phi lợi nhuận – Zanoncedo Empowerment Center. Với 100 tình nguyện viên có lương, trung tâm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ — bao gồm tư vấn xét nghiệm và điều trị HIV — cho 16 ngôi làng ở Eastern Cape cũng như hỗ trợ trực tuyến thông qua trang web của mình.
Mandisa đã được Hiệp hội các Nữ doanh nhân Nam Phi công nhận vì tổ chức phi lợi nhuận này. Cô đã viết cuốn sách có tựa đề “Khi tôi trỗi dậy” để chia sẻ câu chuyện về việc chiến thắng nghịch cảnh của mình.
Cô nói: “Nhiều người đã bỏ cuộc và một số người sắp từ bỏ vì nghĩ rằng họ không thể chọn được mảnh ghép. Cuốn sách này ở đó để cho mọi người thấy rằng có thể vượt lên trên tất cả”.
Là “một cô gái nông thôn sinh ra và lớn lên trong căn lều chỉ có một phòng”, Mandisa nói, đôi khi cô tự hỏi mình đã làm gì để xứng đáng với tất cả những gì cô có ngày hôm nay, nhưng lại tìm thấy sự yên bình trong đức tin.
Cô nói: “Tôi đã không thể làm được tất cả một mình. Tôi kính tín Chúa với tất cả những gì tôi có”.
“Đức tin của tôi và sự ưu ái mà Chúa dành cho tôi thật đáng trân trọng, tôi kính sợ những gì Chúa đã làm và vẫn làm trong cuộc đời tôi”, cô nói thêm. “Tôi là chính mình bởi vì ân điển của Chúa và sẽ không rời bỏ Ngài vì bất cứ điều gì”.
(Ảnh: The Epoch Times / Được phép của Mandisa Dukashe).
Theo The Epoch Times
Nguyệt Cát biên dịch
Nguồn DKN