50 tuổi vừa biết chữ, mẹ nhắn tin cho con sai chính tả nhưng đong đầy tình yêu

Người mẹ chỉ mới học cách nhắn tin, viết chữ chưa được bao lâu, nhưng bà vẫn cố gắng nhắn từng dòng tin ấm áp yêu thương gửi con gái xa nhà.
Trên thế gian này có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của mẹ? Tuy mỗi người mẹ có những cách thể hiện khác nhau, nhưng tình yêu dành cho con luôn dạt dào như suối nguồn vô tận.
Theo Yan News đưa tin, mới đây, một cô gái đã làm “dậy sóng cộng đồng mạng” khi chia sẻ đoạn tin nhắn với mẹ của mình. Mẹ của cô đã 50 tuổi, lại vừa mới biết chữ không lâu, thế nhưng bà vẫn cố gắng nhắn những dòng tin đầy yêu thương cho con.

Mới học chữ, bà mẹ liền nhắn tin cho con gái: “Mẹ yêu con”
Theo chủ bài viết chia sẻ, đoạn tin nhắn trên là lời mà người mẹ 50 tuổi gửi cho cô con gái. Không giống với nhiều gia đình khác, mẹ cô từ nhỏ đã không được học hành đầy đủ, đến khi lớn lên, lập gia đình cũng không thể viết hay đọc chữ bình thường như bao người. Trong suốt bao năm lăn lộn trong cuộc sống, mẹ đã cố gắng học viết chữ trên giấy và tập đọc.
Đoạn trò chuyện kia cũng là lần đầu tiên bà sử dụng điện thoại và nhắn tin. Tuy còn lỗi chính tả, lại không có dấu câu, thế nhưng, sự cố gắng để gửi đến con những dòng chữ đầy ắp yêu thương của bà vẫn khiến bao người xúc động không nguôi. Nhìn câu nói “Mẹ yêu con” mà ai cũng nghẹn ngào.

Cũng theo lời chủ bài viết chia sẻ, mẹ luôn quan tâm đến con gái từng chút một, nhất là từ khi cô đi du học. Lý do bà phải học cách nhắn tin thay vì gọi điện cũng là vì sợ sẽ làm phiền con khi đang đi học, đi làm bận rộn.
Trong bài viết có ghi: “Từ khi sang Nhật làm việc thì thời gian chênh nhau nhiều. Ở nhà ăn cơm thì bên này đã soạn đi ngủ mất rồi. Mẹ bảo nhiều khi muốn gọi cho con gái mà nghĩ con đang ngủ. Cầm máy lên mà bất lực, nhiều khi nhớ lắm cũng chỉ biết đợi đến giờ con đi làm về rồi gọi.”
Đối với bất kỳ người con nào, một khi đi xa nhà đều sẽ có cảm giác nhớ nhung. Được gia đình quan tâm, an ủi, động viên là một niềm hạnh phúc lớn lao không thể nói hết thành lời. Và cô con gái trong bài viết cũng cảm thấy vậy.
Vì quá mừng rỡ, cô đã khóc ngay khi đọc được dòng tin nhắn của mẹ. Cô nói: “Hôm nay gọi về chỉ cho mẹ viết tin nhắn, mẹ vui đến nỗi khóc, mình cũng chảy nước mắt luôn. Thấy mẹ mình đúng là thiệt thòi nhiều quá. Bao năm mẹ nuôi cho ăn học rồi đến bây giờ mới chỉ cho mẹ được cách viết tin nhắn. Mà mong muốn của mẹ là cố viết cho được mẹ yêu con, chúc con ngủ ngon”.
“… Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”
Người mẹ trong câu chuyện phía trên chỉ là một trong vô vàn những người mẹ, người cha yêu thương con vô bờ bến. Cha mẹ nào cũng mong dành cho con những điều tốt đẹp nhất; vậy phận làm con cần như thế nào mới báo hiếu được cha mẹ?

Trong Hiếu Kinh thuật lại lời Khổng Tử nói với Tăng Tử như sau:
Này đây, HIẾU là căn bản của ĐỨC, do giáo dục mà sinh ra. Hãy ngồi trở xuống, ta nói cho ngươi biết. Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra không được gây hư hại là nết đầu của chữ Hiếu. Sau lo lập thân, hành đạo để lại tiếng thơm cho đời sau là nết cùng của chữ Hiếu…
Hiếu Kinh
Ca dao Việt Nam cũng có câu:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Lịch sử Việt Nam không ít những tấm gương hiếu thảo. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép chuyện vua Lê Thánh Tông: “Khi Hoàng thái hậu chưa băng, mùa đông, vua cùng Hoàng thái tử ngày đêm chăm sóc, không lúc nào rời bên cạnh. Khi dâng thuốc thang hay thức ăn uống, vua nhất định tự mình nếm trước; trong thì kêu với tổ tiên, ngoài thì dốc lòng cầu khẩn, không thần nào là không khấn. Đến khi hấp hối cũng tự kêu gào, Thái hậu còn nhếch mép một chút, muốn nói để từ giã. Mọi việc mặc áo, khâm liệm, bỏ gạo vào miệng người chết, vua đều tự làm lấy cả để tỏ lòng đau xót.”
Còn Việt Nam sử lược thì chép chuyện vua Tự Đức, suốt 36 năm, cứ ngày lẻ thì ngự triều, ngày chẵn thì đến thăm mẹ là Phạm Thị Hằng (Thái hậu Từ Dũ), những điều mẹ dạy vua đều ghi chép cẩn thận vào “Từ Huấn Lục”. Có lần do mải mê đi săn bị mưa lụt về trễ vào ngày kỵ của vua cha là Thiệu Trị, thấy mình phạm lỗi nên ông nằm ra, đặt chiếc roi lên mâm son để chờ Hoàng thái hậu Từ Dũ trừng phạt.
Ngọc Lan (tổng hợp)
Nguồn DKN