Sài Gòn: Ông ngoại ẵm cháu trai mưu sinh ở vỉa hè ‘Cháu tôi, dù khổ tôi cũng nuôi’

Mỗi ngày, ở góc đường Nguyễn Thái Học – Trần Hưng Đạo, người ta lại thấy một người đàn ông trạc 60 tuổi cùng cháu trai ngồi bán vé số kiếm tiền mưu sinh.
Ở góc đèn xanh đỏ tại ngã tư Nguyễn Thái Học – Trần Hưng Đạo, quận 1, Sài Gòn, người dân đã quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông tầm 60 tuổi, khuôn mặt khắc khổ bế ẵm một cậu bé chỉ mới 6 tháng tuổi.
Cậu bé này tên là Sương Gió. Em còn có một người anh trai, tên là Giá (5 tuổi). Bố mẹ Gió và Giá còn trẻ, nhưng do sa ngã nên vướng vào vòng lao lý. Ban đầu, ông ngoại đi biển phụ vợ nuôi hai cháu. Nhưng do tai nạn khiến xương đùi bị tổn thương, ông đành bỏ quê từ Huế vào Sài Gòn để bán vé số.
Chính vì vậy, từ lâu cậu bé Gió không được ăn sữa mẹ. Thương bé còn thơ đã không có mẹ bên cạnh, nhiều người trong xóm trọ thi thoảng lại tặng cho ông cháu vài bịch sữa làm quà.
PV Yan ghi nhận, ông bà nội của Giá và Gió hiện đang ở Quận 4, nhưng do hoàn cảnh nên không thể về sống cùng. Dẫu biết bụi bặm, khói xe ngoài đường không tốt cho cháu nhưng ông ngoại Gió nói: “Tại thằng này mê tiếng xe, hôm nào không cho nó ra là y rằng về nhà quấy khóc nên đành vậy…”
Thật may vì dù cuộc sống khó khăn, nhưng ông ngoại cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ từ những người tốt bụng xung quanh. Mỗi tháng, ông chủ thầu vé số thường cho ông ngoại thêm ít tiền để mua thêm sữa. Những người qua đường thấy thương cảnh ba ông cháu cũng gửi thêm cho ông lúc mấy chục khi vài trăm để lo cho các cháu. Mỗi lần như vậy, ông đều cất đi, tiết kiệm để phòng lúc hai đứa trẻ ốm đau.
Có người thấy ông khổ quá hỏi sao không cho hai cháu vào chùa ở. Ông ngoại chỉ tâm sự “Cháu tôi, dù có khổ tôi cũng nuôi, nhất định không gửi vô chùa”.

Mưu sinh tại đất Sài Gòn đắt đỏ, cuộc sống của ba ông cháu cũng không hề dễ dàng. Ông ngoại chia sẻ mỗi ngày bán được khoảng 100 tờ vé số thì mới lời được khoảng 100 nghìn đồng, đủ tiền lo cơm nước qua ngày.
Vì hoàn cảnh gia đình, ông ngoại không có tiền cho bé Giá đến nhà trẻ, mỗi lần bận, ông đều phải để em ở nhà tự chơi một mình.
Ông nói: “Nghĩ cũng thương nhưng cho ra đường hoài thì nguy hiểm quá. Để nó ở nhà, đói thì tự ăn, mệt lại nằm ngủ thì mình còn an tâm hơn”.
Hiện tại, ước mong lớn nhất của ông vẫn là cho các cháu ăn no và tương lai được đến trường như những bạn bè đồng trang lứa khác.
Thanh Hà (tổng hợp)
Nguồn DKN