Càng chung sống em càng nhận ra rằng chồng không còn yêu mình như trước.

Sau
ba năm yêu nhau, em lập gia đình, giờ đã có một con trai hai tuổi. Gia
đình em có thể tạm gọi là hạnh phúc. Chồng em cũng lo làm việc, lo cho
gia đình về vật chất.

Anh vẫn yêu vợ con, ngày hai bữa cơm
nhà, mỗi tuần chở vợ con đi chơi một hoặc hai lần. Thế nhưng, càng sống
chung, em càng thấy như mình đã yêu một người mà cưới nhầm
một người khác. Khi đang yêu và khi về sống chung, chồng em như hai con
người khác nhau. Anh không còn như ngày xưa, ít quan tâm đến đời sống
tinh thần, tình cảm của em. Xong công việc là anh đi đánh cờ tướng, tán
gẫu với bạn bè, rất ít ở nhà với vợ con.

Em là người sống thiên về tình cảm,
trong khi anh sống đơn giản, nghĩ sao làm vậy, nghĩ gì nói nấy, nên vợ
chồng thỉnh thoảng lại tranh cãi. Em góp ý nhiều lần anh vẫn thế. Nhiều
lúc em cảm thấy thật cô đơn trong chính ngôi nhà mình, ngay bên cạnh
người mình yêu thương. Đôi khi em thầm so sánh anh với những người từng
theo đuổi em, biết là không nên nhưng vẫn không giữ được lòng mình. Em
sợ rằng những gì em đang cảm nhận có thể là mầm mống của đổ vỡ, khi em
gặp một ai đó hiểu mình hơn. Chị giúp em một lối thoát.

Nga (Q.7)

Cưới nhầm người? - 1

Em cảm thấy anh không còn quan tâm, chia sẻ cùng em như ngày mới yêu (Ảnh minh họa)


Trả lời:

Em Nga mến,

Thật ra, em chẳng cưới “nhầm” ai đâu,
vẫn chỉ là một người đó thôi! Em không phải trường hợp cá biệt, nhiều
người vợ trẻ cũng rơi vào tâm trạng như em sau một thời gian kết hôn.
Mười ông chồng trẻ, chắc đã phải đến bảy, tám ông thay đổi tương tự
chồng em sau khi cưới được vợ. Trước khi cưới, họ là người đi chinh phục
nên luôn phải chăm sóc, chiều chuộng, đón đưa. Tuy nhiên, sau khi cưới –
cũng đồng nghĩa với việc chinh phục đã thành công, thường là họ buông
tay, bớt quan tâm hơn. Chim đã vào lồng, cá đã cắn câu rồi, còn chạy đâu
được, nhọc công thêm chi nữa. Khi đó, họ trở lại “nguyên hình” với
những gì vốn có trước đây; đặt mối quan tâm vào những vấn đề khác mà họ
đã tạm gác lại khi đang bận phải chinh phục.

Em nên nghĩ theo một hướng tích cực và
hãy vui lên thay vì buồn bã, so đo như vậy. Trong cuộc sống chung, chồng
em không có tật xấu nghiêm trọng nào, cũng chẳng bê tha, cờ bạc rượu
chè; lại biết lo cho gia đình, vợ con, em còn đòi hỏi gì hơn? Ham cờ
tướng, thích tán gẫu với bạn bè sau giờ làm việc đâu phải là những “tật”
không thể chấp nhận được. Không cái này cũng cái khác, ông chồng nào mà
chẳng có thú vui riêng; đừng buộc các ông chồng lúc nào cũng phải quanh
quẩn với vợ con, đó là chuyện “bất khả”. Cái tính đơn giản nghĩ sao nói
vậy của anh ấy, hẳn em đã thấy từ trước, cứ từ từ mà chỉnh, theo thời
gian chồng em chắc cũng bớt được năm ba phần, đừng quá bực dọc, nặng nề
với nó. Cũng đừng so sánh anh ấy với những người từng theo đuổi em. Họ
tốt vậy, đẹp vậy cũng là vì họ đang theo đuổi em, bao cái xấu đều cất
giấu kỹ, có để lộ ra đâu. Chung sống thật sự mà xem, biết đâu họ chẳng
bằng một góc chồng em bây giờ.

Nhìn vấn đề bằng con mắt đó, em sẽ thấy
nhẹ nhàng, thanh thản hơn nhiều. Còn về những mong muốn của em, hãy tìm
cách gợi ý, mở đường cho chồng. Em cần gì, muốn gì, có khi chồng em
không biết hoặc vì “lười” mà không muốn biết, thì hãy “nói” cho anh ấy
biết. Có vô số cách nói, đâu nhất thiết phải bằng lời. Cũng có muôn vàn
thái độ để bày tỏ, sao lại giận dỗi, buồn phiền. Chắc chắn một người
biết lo cho gia đình như chồng em sẽ sẵn lòng làm vui lòng vợ khi nhận
được tín hiệu từ vợ mình. Một mặt, em không nên quá “dị ứng” mà cần cảm
thông với chuyện bạn bè của chồng; mặt khác em tìm cách giữ chân chồng
bên mình nhiều hơn, ví dụ như bày ra những chuyện ở nhà mà vợ chồng cùng
quan tâm, chia sẻ; khuyến khích chồng dành thời gian chơi với con nhiều
hơn… Chịu khó tìm kiếm một chút, em sẽ không thiếu cách lôi kéo sự quan tâm của anh ấy. Hãy chung tay cùng chồng vun đắp hôn nhân, đừng vì một chút lơ là của chồng mà buồn phiền, chán nản.